Chuyến công du của Thủ tướng và phu nhân diễn ra từ ngày 27/10 - 2/11 theo lời mời của Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani, Hoàng Thái tử kiêm Thủ tướng Vương quốc Saudi Arabia Mohammed Bin Salman.
Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ là khách mời chính và Lãnh đạo Cấp cao duy nhất của châu Á phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 do Saudi Arabia tổ chức.
Chuyến công du của Thủ tướng và phu nhân diễn ra từ ngày 27/10 đến ngày 2/11. |
Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm có: Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh; Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Thanh Diệp...
Thúc đẩy hợp tác, thu hút vốn đầu tư chất lượng cao
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, cả ba nước UAE, Qatar, Saudi Arabia và khu vực vùng Vịnh là những đối tác, những thị trường, những nhà đầu tư, những trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ mà tiềm năng, dư địa hợp tác với Việt Nam còn rất lớn.
Hiện UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi, kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang UAE 3,37 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến tháng 6/2024, UAE có 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với lũy kế tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 71,6 triệu USD. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 lao động tại UAE. Hai nước chia sẻ nhận thức chung về tầm quan trọng của việc sớm nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, quy mô kinh tế và kỳ vọng của hai bên.
Saudi Arabia là đối tác thương mại lớn thứ ba của ta tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 2,68 tỷ USD. Các tập đoàn kinh tế lớn của Saudi Arabia đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam.
Với tiềm lực mạnh về năng lượng, tài chính, Qatar là đối tác kinh tế, đầu tư tiềm năng lớn đối với Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 497,2 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022). Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) đã và đang nghiên cứu, đẩy mạnh các dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam. Các lĩnh vực hợp tác khác như giáo dục, lao động thời gian qua cũng có nhiều khởi sắc.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, trong chuyến thăm, Thủ tướng sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, trao đổi với tất cả lãnh đạo cao nhất, các Quỹ đầu tư và các tập đoàn lớn của ba nước nhằm thúc đẩy quan hệ một cách toàn diện, hiệu quả, nhất là về mở cửa thị trường, thu hút vốn đầu tư chất lượng cao.