Chủ tịch Ủy ban Ngân khố Jane Philpott, được xem là một bộ trưởng hàng "ngôi sao" trong nội các của Thủ tướng Justin Trudeau, đã gửi thư từ chức trong ngày 4/3. Bà cho biết quyết định này là "không thể tránh khỏi" vì đã mất niềm tin và không thể tiếp tục bảo vệ chính phủ.
Tuần trước, bạn của bà Philpott là Jody Wilson-Raybould, cựu bộ trưởng tư pháp Canada, đã dự phiên điều trần về cáo buộc chính phủ Thủ tướng Trudeau can thiệp chính trị vào tiến trình điều tra. Bà vừa rời khỏi nội các vào tháng 2 sau khi bị giáng chức trước đó một tháng.
Wilson-Raybould cho biết thủ tướng và nhiều thành viên cấp cao của chính phủ đã tạo áp lực để tránh truy tố SNC-Lavalin, một công ty thiết kế lớn của Canada. Công ty này chịu nhiều cáo buộc hối lộ nhằm thắng thầu ở Lybia.
Bà Jane Philpott (trái) cùng cựu bộ trưởng tư pháp Canada Jody Wilson-Raybould. Ảnh: Canadian Press. |
"Tôi quyết định phải từ chức với tư cách thành viên nội các. Đáng tiếc là tôi đã mất niềm tin vào cách chính phủ giải quyết với vấn đề này và cách chính phủ phản ứng khi vấn đề được công bố", bà Philpott cho biết.
"Tôi phải hành động theo đúng những giá trị cốt lõi của mình, những trách nhiệm đạo đức và nghĩa vụ theo đúng hiến pháp. Việc hành động đúng những quy tắc của bản thân có thể sẽ có đánh đổi, nhưng cái giá phải trả nếu từ bỏ những quy tắc đó còn lớn hơn", bà viết.
Thủ tướng Canada thời gian qua thừa nhận đã từng đề cập đến công ty SNC-Lavalin với bà Wilson-Raybould, nhưng khẳng định việc trao đổi được thực hiện một cách danh chính ngôn thuận.
Vụ bê bối đặt chính phủ của Thủ tướng Trudeau vào sóng gió. Gerald Butts, cố vấn hàng đầu và là bạn thân của thủ tướng Canada, đã từ chức hồi tháng hai. Ông Butts dự kiến sẽ điều trần trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Canada ngày 6/3 để bảo vệ ông Trudeau.
Lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập Andrew Scheer, nói quyết định từ chức của bà Philpott cho thấy chính phủ của ông Trudeau đã rơi vào "hỗn loạn toàn diện". Ông cũng kêu gọi thủ tướng từ chức và yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành điều tra vụ việc.
Thủ tướng Justin Trudeau (trái) tại một phiên họp nội các ở Ottawa ngày 1/3. Ảnh: Canadian Press. |
Trong phiên điều trần tuần trước, bà Wilson-Raybould cho biết mình bị tạo áp lực yêu cầu lãnh đạo cơ quan công tố đàm phán một thỏa thuận bồi thường tài chính với trường hợp của SNC-Lavalin. Thỏa thuận này sẽ cho phép công ty nộp tiền phạt nhưng vẫn tránh bị xét xử các tội danh hối lộ và tham nhũng.
Nếu bị kết án về mặt hình sự, công ty có trụ sở ở Montreal không thể tham gia bất kỳ dự án công nào trong vòng 10 năm. SNC-Lavalin có sức ảnh hưởng kinh tế rất lớn tại Canada, với hơn 9.000 nhân viên trong nước và hơn 50.000 nhân viên trên khắp thế giới.
Cựu bộ trưởng tư pháp Canada xác nhận sức ép từ phía Thủ tướng Trudeau và các quan chức cấp cao không phải hành vi trái pháp luật. Bà Wilson-Raybould cũng không nhận chỉ thị nào yêu cầu bà can thiệp hoạt động công tố.