Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Tranh chấp trên biển Đông khó lường'

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015 của Bộ Ngoại giao tổ chức sáng 27/10.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành ngoại giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành ngoại giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng thi đua - Khen thưởng Trung ương, dẫn lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại: “Thi đua là tinh thần quốc tế”, “Thi đua chẳng những bồi dưỡng tinh thần đoàn kết và tinh thần yêu nước của dân tộc ta, mà lại làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới”, “Thi đua là góp sức giữ gìn hòa bình và dân chủ thế giới”…

Thủ tướng đánh giá, thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ Tịch, trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trong công tác đối ngoại luôn được Bộ Ngoại giao quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai mạnh mẽ, toàn diện với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về những thành tích mà ngành Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Thủ tướng, toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh đã tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Kinh tế thị trường; tiến bộ công bằng xã hội; dân chủ - pháp quyền; hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hoà bình - phát triển và cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại.

Kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là trung tâm phát triển năng động của kinh tế thế giới; các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự, tập hợp lực lượng, tranh giành ảnh hưởng trong khu vực ngày càng quyết liệt. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố có biểu hiện gia tăng. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là trên Biển Đông diễn biến phức tạp, gay gắt và rất khó lường.

Từ sự phân tích như trên, Thủ tướng nêu rõ, bối cảnh quốc tế và trong nước đòi hỏi chúng ta phải kiên định mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc là cao nhất, đoàn kết nhất trí, đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, nỗ lực phấn đấu khắc phục những hạn chế yếu kém, vượt qua khó khăn thách thức xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa - độc lập, hòa bình, thống nhất, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ; dân chủ, tự do, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh; hội nhập và phát triển, tiến cùng thời đại, sánh vai với bạn bè trên thế giới - như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của nước ta đã đề ra.

“Trong tình hình mới, nhiệm vụ của ngành Ngoại giao là rất nặng nề, đòi hỏi các đồng chí phải luôn kiên định mục tiêu và quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; nỗ lực hành động quyết liệt và lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa trong các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần thiết thực với hiệu quả ngày càng cao để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững, xây dựng và bảo vệ đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành Ngoại giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo công tác thi đua, khen thưởng của Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế phải chủ động, tích cực góp phần quan trọng hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng đầu là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tăng cường hữu nghị, hợp tác với các quốc gia, bình đẳng cùng có lợi, đồng thời gắn chặt với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải thực hiện hiệu quả các biện pháp chính trị - ngoại giao trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đề cao tinh thần đoàn kết quốc tế trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; đoàn kết xây dựng cộng đồng ASEAN và làm tốt trách nhiệm là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Ủy ban Biên giới Quốc gia - Bộ Ngoại giao; trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn.

70 năm ngành Ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Ngoại giao, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài viết về chặng đường lịch sử 70 năm qua của ngành ngoại giao VN.

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Kien-dinh-muc-tieu-loi-ich-quoc-gia-dan-toc-la-cao-nhat/239808.vgp

Theo Nguyễn Hoàng/Báo Chính phủ

Bạn có thể quan tâm