Đúng 70 năm trước, trong không khí cách mạng sục sôi của mùa Thu tháng Tám, Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28/8/1945 thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức khai sinh ra nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Ngành ngoại giao vô cùng tự hào được đặt dưới sự lãnh đạo, dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành. Vinh dự lớn lao này cho thấy ngay từ buổi đầu lập nước, Đảng và Bác Hồ đã hết sức coi trọng vai trò của công tác đối ngoại với tư cách là một vũ khí quan trọng để bảo vệ lợi ích dân tộc. Người từng nói: “Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu, thứ hai là đánh bằng ngoại giao, thứ ba mới đánh bằng binh.”
Những năm tháng không thể nào quên
Ngay từ thuở ban đầu phải đối mặt với nhiều thù trong giặc ngoài, bằng Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946, ngoại giao đã góp phần quan trọng bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ với việc thực hiện sách lược “hòa để tiến,” phân hóa kẻ thù, tranh thủ thêm thời gian củng cố lực lượng để chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến.
Những quyết sách đối ngoại táo bạo, đúng đắn trong thời khắc vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” càng làm nổi bật tầm vóc tư tưởng và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại. Từ nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến,” “đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu” đến sách lược ngoại giao tâm công và phương châm “thêm bạn, bớt thù,” tất cả đã trở thành những bài học kinh điển về nghệ thuật ngoại giao mang đậm phong cách Hồ Chí Minh mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, ngoại giao Việt Nam đã thực sự trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Không chỉ đơn thuần phản ánh cục diện trên chiến trường, ngoại giao còn chủ động, tích cực tập hợp lực lượng, tạo tiền đề thuận lợi cho các mặt trận quân sự và chính trị. Đóng vai trò cầu nối giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới, kể cả nhân dân các nước gây chiến, ngoại giao đã tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của các thế lực thực dân, đế quốc.
Quang cảnh Hội nghị Geneva.(Ảnh tư liệu: TTXVN). |
Những chiến thắng vang dội trên chiến trường đã lần lượt được ngoại giao cụ thể hóa trên bàn đàm phán qua các Hiệp định Geneva năm 1954, Hiệp định Paris năm 1973, để từ đó dân tộc ta đi tới đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa núi sông liền một dải, thu giang sơn về một mối. Trong những năm tháng hào hùng đó, ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một biểu tượng trong lòng bạn bè quốc tế về một dân tộc anh hùng, yêu chuộng hòa bình và luôn khát khao độc lập, tự do.
Đây cũng là giai đoạn chúng ta rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá về nguyên tắc độc lập, tự chủ, cách bảo vệ lợi ích của nước nhỏ tại đấu trường ngoại giao đa phương, về sách lược “vừa đánh, vừa đàm.” Đặc biệt, cách ứng xử khéo léo trong quan hệ với các nước lớn theo phương châm “ngũ tri” mang đậm triết lý phương Đông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng lên tầm nghệ thuật.
Trong sự nghiệp kiến thiết, xây dựng đất nước, nhất là trong công cuộc Đổi mới, ngoại giao đã góp phần phá bao vây, cấm vận, chủ động triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, nỗ lực duy trì môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện đúng mong muốn “sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ” mà Bác Hồ luôn tâm niệm ngay từ những ngày đầu lập nước, Việt Nam ngày nay đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước, và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.”
Từ chỗ bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị và chỉ có quan hệ với các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa, đến nay nước ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhiều cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc.
Chúng ta đã đảm nhiệm tốt vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, Chủ tịch ASEAN năm 1998 và năm 2010, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp (Francophonie) lần thứ bảy năm 1997, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu lần thứ 5 (ASEM 5) năm 2005, Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2006, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tháng 3/2015, và tới đây là Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Quan hệ kinh tế đối ngoại của đất nước ngày càng rộng mở, phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trong nước: đến nay, Việt Nam đã thu hút được tổng cộng trên 250 tỷ USD vốn FDI, và là một trong số ít nước đang tham gia tất cả các liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Suốt 70 năm đồng hành cùng dân tộc, Ngoại giao Việt Nam đã ghi đậm dấu ấn trong những thắng lợi lịch sử của sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Cùng với các mặt trận khác, ngoại giao đã góp phần đưa Việt Nam từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới đến vị thế đàng hoàng của một quốc gia đóng vai trò ngày càng lớn ở khu vực, được bạn bè quốc tế nể trọng.
Ôn lại chặng đường lịch sử 70 năm qua, chúng ta càng thấm nhuần tư tưởng và tầm nhìn chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại. Đó là kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của các thế hệ cán bộ ngoại giao.
Theo chân Bác, lớp lớp cán bộ ngoại giao đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện để định hình nên bản sắc của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, biết bao nhà ngoại giao Việt Nam đã đi thẳng từ bưng biền chiến khu cách mạng ra bàn đàm phán quốc tế, mà vẫn khiến bạn bè và đối phương phải nể phục bằng trí tuệ, tài năng và nhân cách của mình.
Từ chỗ chỉ có 20 cán bộ trong những ngày đầu thành lập, ngày nay Bộ Ngoại giao đã trở thành lực lượng đối ngoại chủ lực của đất nước với 2.400 cán bộ nhân viên được đào tạo bài bản chuyên sâu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phục vụ đắc lực cho công tác hoạch định và triển khai đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Từ chỗ chỉ có 3 Cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài những năm đầu độc lập, đến nay 98 Cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài đã trở thành những “cánh tay nối dài” của đất nước ở khắp các châu lục trên thế giới.
Ngoại giao Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện
Trong một thế giới toàn cầu hóa với sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn giữa các quốc gia, hội nhập quốc tế đã trở thành sự lựa chọn khách quan và tất yếu. Như người “hoa tiêu” góp phần đưa con tàu Việt Nam tiến ra biển lớn, ngoại giao Việt Nam đã xác định đúng, bám sát dòng chảy của thời đại, luôn nỗ lực hết sức mình để định vị đất nước một cách có lợi nhất trong cục diện khu vực và thế giới.
Trước hết, chúng ta đã đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu thực chất, cơ bản hoàn tất việc thể chế hóa khuôn khổ quan hệ với các đối tác ưu tiên, quan trọng. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại 70 năm qua, chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với tất cả cả nước lớn, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Thứ hai, ngoại giao luôn đi đầu trong việc triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện mà Đại hội Đảng XI đã đề ra. Ngoại giao đã tích cực đóng góp vào việc tăng cường quan hệ kinh tế đối ngoại: lần đầu tiên sau hai thập kỷ, Việt Nam liên tục xuất siêu từ năm 2012 đến năm 2014, tiếp tục là điểm sáng ở Đông Nam Á trong việc thu hút đầu tư nước ngoài với sự có mặt của trên 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu trên thế giới, trong đó nhiều tập đoàn đã và sẽ đặt “đại bản doanh” tại Việt Nam.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế, công tác đối ngoại đã chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ. Lần đầu tiên, Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tiến hành đàm phán đồng thời nhiều Hiệp định thương mại tự do lớn như TPP và RCEP, được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu với số phiếu rất cao vào các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy ban Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2013-2017, đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2013-2015.
Trong giai đoạn này, ngoại giao đa phương cũng được nâng tầm, chuyển từ phương châm “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng luật chơi chung” với việc Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất hợp tác được các nước bạn bè, đối tác ủng hộ, đánh giá cao tại các diễn đàn từ ASEAN đến ASEM, APEC và Liên hợp quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định sau 2 năm triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, “công tác hội nhập quốc tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của đất nước.”
Thứ ba, ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh trong việc bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta đã hoàn thành phân giới, cắm mốc trên toàn tuyến biên giới trên bộ với Trung Quốc và Lào, đang triển khai phân định biên giới với Campuchia, góp phần đưa đường biên giới trên bộ giữa Việt Nam với các nước láng giềng trở thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Ngoại giao cũng giành được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với lập trường chính nghĩa và các lợi ích chính đáng của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định “ngoại giao đã có những đóng góp xứng đáng vào việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.”
Thứ tư, công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại, bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Chúng ta đã vận động thành công để UNESCO công nhận thành nhà Hồ, quần thể danh thắng Tràng An, châu bản triều Nguyễn, tín ngưỡng thờ cùng Hùng vương, hát xoan Phú Thọ là di sản văn hóa thế giới. Trên mặt trận thông tin tuyên truyền, ngoại giao đã góp phần xây dựng đồng thuận và huy động sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân đối với các đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, quảng bá và nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoại giao cũng luôn có mặt trên tuyến đầu trong việc hợp tác, đấu tranh nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của kiều bào ta ở nước ngoài, vận động kiều bào ngày càng hướng về quê hương, đất nước, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng các nguồn lực tinh thần và vật chất.
Toàn ngành ngoại giao luôn nhận thức rõ, những thành tựu đối ngoại quan trọng suốt 70 năm qua là nhờ có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nỗ lực vượt bậc của tất cả các lực lượng làm công tác đối ngoại cũng như sự phối hợp hiệu quả, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ban ngành và địa phương cả nước.
Với phương châm “đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể,” ngành Ngoại giao luôn sát cánh cùng các lực lượng đối ngoại khác, hình thành nên thế chân kiềng vững chắc gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung là phục vụ tốt nhất các lợi ích an ninh, phát triển của đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
Nắm bắt cơ hội, hóa giải thách thức - vững bước hướng tới tương lai
Ngày nay, cục diện thế giới và khu vực đang không ngừng biến động. Chúng ta đang sống trong một thế giới có hòa bình, nhưng không hề yên bình. Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động nhất và có triển vọng trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới trong thế kỷ 21, song cũng đã trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Hòa bình và hợp tác vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng các nhân tố bất ổn, thậm chí nguy cơ xung đột cục bộ ngày càng nhiều.
Đặc biệt, tình hình Biển Đông diễn biến rất phức tạp, các nguy cơ đe dọa an ninh, chủ quyền biển đảo của đất nước nổi lên ngày càng gay gắt. Thách thức và cơ hội luôn đan xen, và có tính chuyển hóa lẫn nhau. Làm sao “biến nguy thành an,” định vị đất nước như thế nào sao cho có lợi nhất trong bàn cờ chiến lược ở khu vực và trên thế giới là trăn trở đêm ngày của những người làm công tác đối ngoại.
Trước đây, Bác Hồ đã từng nói: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công.” Nhiệm vụ của ngoại giao ngày nay là phải lấy tư duy “trong nguy có cơ” để tìm ra thời cơ, vận hội của đất nước.
Trong thế giới ngày nay, một quốc gia dẫu kinh tế không mạnh, dân không đông, song nếu có chính sách đối ngoại đúng đắn vẫn có thể bảo vệ các lợi ích chính đáng, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.
Là một quốc gia có vị trí địa-chiến lược quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, tranh thủ các điều kiện thuận lợi nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước vượt qua nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình.” Để làm được điều đó, đã đến lúc ngoại giao Việt Nam cần “dấn thân” hơn nữa.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28, tháng 12/2013. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN |
Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 (12/2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định ba nhiệm vụ đối ngoại quan trọng nhất trong thời gian tới là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa. Ba nhiệm vụ này mang tính biện chứng, tác động qua lại, và liên quan mật thiết đến nhau.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong thời bình, ngoại giao là lực lượng “đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước.”
Để thực hiện trọng trách lớn lao đó, toàn ngành ngoại giao đang nỗ lực đổi mới tư duy, tìm tòi sáng tạo hơn nữa từ lối tư duy đến cách làm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác đối ngoại. Bám sát cái “bất biến” là lợi ích quốc gia, dân tộc để ứng xử “vạn biến” linh hoạt, thích ứng với một thế giới đang không ngừng thay đổi là yêu cầu bắt buộc đối với ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ mới. Như một chiếc “ăng-ten” của đất nước, ngoại giao nhất thiết phải làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược để phát hiện ra các xu thế mới, đặt Việt Nam vào đúng dòng chảy của thời đại, đồng thời không để đất nước bị bất ngờ trước bất kỳ tình huống nào.
Nhưng trên hết, đúng như Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc.” Nhận thức rõ điều đó, toàn ngành luôn coi việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chuyên môn nghiệp vụ ngang tầm khu vực và dần tiệm cận trình độ quốc tế không chỉ là điều kiện tiên quyết để triển khai thắng lợi mọi nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng và Nhà nước giao phó mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của những người làm công tác đối ngoại.
70 năm trước, giữa muôn trùng gian khó, vận nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc,” nhưng dưới tài chèo lái của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền ngoại giao non trẻ của Việt Nam vẫn lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng danh non sông đất nước. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, thế hệ cán bộ ngoại giao ngày nay quyết tâm làm hết sức mình, vượt qua mọi khó khăn, tận dụng mọi thời cơ để viết tiếp trang sử hào hùng của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại, góp phần đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của độc lập, hòa bình và phát triển.