Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng trả lời chất vấn về chỉ số GNI

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng không cần bổ sung chỉ số tổng thu nhập quốc dân (GNI) vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện hành để trình Quốc hội thông qua hàng năm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) về việc liệu có cần bổ sung thêm chỉ tiêu tổng thu nhập quốc dân GNI vào 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện hành hay không.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, nhiều ý kiến cho rằng GDP phản ánh được kích cỡ, quy mô của nền kinh tế nhưng không phản ánh được tính hài hòa của sự phát triển, không phản ánh hết những hiệu ứng tiêu cực của tăng trưởng, không chuẩn xác trong đánh giá mức sống, không phản ánh được sự phân chia lợi ích trong phạm vi đất nước...

Việc đánh giá kết quả và hoạch định chính sách rất cần đầy đủ thông tin nên nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm các chỉ tiêu đánh giá, đặc biệt là chỉ tiêu GNI - tổng thu nhập quốc dân.

Về nội dung này, Thủ tướng cho rằng không cần bổ sung GNI vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hiện hành để trình Quốc hội thông qua hàng năm.

Cụ thể, GNI là chỉ tiêu phản ánh tổng thu nhập của quốc gia từ kết quả sản xuất trong lãnh thổ kinh tế và thu nhập từ các yếu tố sản xuất. Đây là chỉ tiêu kết quả của quá trình phân phối thu nhập lần đầu giữa các đơn vị thường trú và không thường trú của quốc gia.

bo sung GNI vao cac chi tieu kinh te - xa hoi anh 1

Thủ tướng cho rằng không cần bổ sung GNI vào các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hàng năm. Ảnh: VGP.

GNI được đo lường bằng GDP trừ đi tổng thu nhập lần đầu phải trả, cộng với tổng thu nhập lần đầu nhận được. Nói cách khác GNI bằng GDP trừ đi thu nhập của người lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam trên 1 năm, cộng với thu nhập của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài trên 1 năm.

Chỉ số này cũng trừ đi thu nhập từ các yếu tố sản xuất phải trả cho các đơn vị không thường trú, cộng với thu nhập từ các yếu tố sản xuất nhận được từ các đơn vị không thường trú.

Xét về phạm vi, chỉ tiêu GDP và chỉ tiêu GNI không hoàn toàn giống nhau. Sự khác biệt giữa GNI và GDP là chênh lệch giữa thu nhập sở hữu nhận được và thu nhập sở hữu phải trả giữa đơn vị thể chế thường trú và không thường trú. Bản chất của sự khác biệt giữa GDP và GNI là chỉ tiêu GDP đánh giá sản lượng cuối cùng (hoặc thu nhập từ sản xuất) được tạo ra trong nền kinh tế. Còn chỉ tiêu GNI đánh giá tổng thu nhập lần đầu nhận được của toàn bộ nền kinh tế.

Nói về mức chênh lệch giữa GNI với GDP của Việt Nam thường thấp hơn 10%, và có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây, Thủ tướng nhận định nguyên nhân từ đóng góp của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn, nếu năm 2005 chỉ là 1,84% GDP, thì đến năm 2010 là 3,8% GDP và sơ bộ năm 2018 là 7% GDP.

Theo Thủ tướng, tổng sản phẩm trong nước là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng giúp Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đánh giá tình hình xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đề ra giải pháp nâng cao đời sống nhân dân. GDP được hầu hết quốc gia sử dụng để phản ánh quy mô và sự phát triển của nền kinh tế.

Tổng sản phẩm trong nước được sử dụng làm căn cứ để tính toán các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác như: Tổng thu nhập quốc gia (GDP); GDP bình quân đầu người; tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR); tỷ lệ thu chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; nợ công...

GNI được tính hàng năm và có độ trễ vì phải thu thập thông tin về thu nhập sở hữu, không sử dụng trong đánh giá tình hình, đề ra các giải pháp điều hành kinh tế hàng quý. GNI chỉ được tính toán theo phạm vi toàn nền kinh tế, không phân tổ được theo khu vực kinh tế và ngành kinh tế.

'Nhiều người không ngờ dự trữ ngoại hối tăng 20 tỷ USD một năm'

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020 sáng nay (2/1), Thủ tướng đã chia sẻ thêm việc NHNN gia tăng được số dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục 80 tỷ USD.

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2019

Năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%, vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6% đến 6,8%. Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 tỷ USD.

Hà Bùi

Bạn có thể quan tâm