Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí của ngành ngân hàng đối với sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng là bộ, ngành đầu tiên mà Thủ tướng tới quán triệt định hướng, nhiệm vụ năm 2020 ngay sau khi Nghị quyết 01 được ký ban hành.
“Có người nói bây giờ thế giới biến động bất ổn quá thì phải để an toàn, phát triển thấp xuống, đó là tư duy không thể chấp nhận. Ngành ngân hàng phải có tinh thần xốc tới phát triển, đưa đất nước tiến lên”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thách thức với tiền ảo, fintech
Trong các hoạt động nổi bật của ngành ngân hàng năm 2019, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của toàn ngành trong việc giữ ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối kỷ lục.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dữ trữ ngoại hối trong một năm tăng trên 20 tỷ USD, đạt tổng số gần 80 tỷ USD là điều nhiều người không ngờ tới. Trong đó, số dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD cao gấp 2,5 lần con số đầu nhiệm kỳ, và gấp 6 lần năm 2011.
"Nhiều người không ngờ dự trữ ngoại hối tăng 20 tỷ USD một năm", ông nói.
Việt Nam gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối trong bối cảnh các nước cùng khu vực như Trung Quốc , Ấn Độ, Thái Lan… đều phải giảm lượng dự trữ này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Ngoài ra, Thủ tướng cũng ghi nhận kết quả của NHNN khi bỏ ra gần 500.000 tỷ đồng để mua vào 20 tỷ USD trong năm vừa qua, nhưng không làm ảnh hưởng đến lạm phát cho thấy cách điều hành khéo léo của cơ quan quản lý tiền tệ.
Trong bối cảnh thế giới, thị trường tài chính tiền tệ biến động, các nước phải nới lỏng chính sách tiền tệ thì NHNN đã thực hiện tốt các mục tiêu kiểm soát cung tiền, lãi suất, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Tỷ giá cơ bản ổn định. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm là điểm sáng đáng ghi nhận. Tỷ lệ nợ xấu giảm.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng mức lãi suất hiện tại của ngành ngân hàng vẫn ở mức cao so với khu vực. Các ngân hàng thương mại chưa thể giảm ngay nhưng phải tính toán để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp vì phần lớn sản xuất kinh doanh vẫn dựa vào tín dụng ngân hàng.
Thủ tướng cũng cho biết việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp nhiều trở ngại, cần tiếp tục nỗ lực xử lý nợ xấu và phòng ngừa nguy cơ gia tăng do một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn.
Ngoài ra, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng đang đối mặt với nhiều rủi ro ngày càng tinh vi từ các hành vi gian lận, lừa đảo dẫn đến nhiều vụ lộ thông tin cá nhân, mất tiền trên tài khoản... Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của nhiều ngân hàng và cần phải cải thiện trong thời gian tới.
Việc quản lý các lĩnh vực mới như tiền ảo, tài sản ảo, sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, fintech... cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các các cấp, các ngành, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của NHNN.
Việt Nam không thao túng tiền tệ
Trong năm 2020, Thủ tướng yêu cầu NHNN cần phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp hiệu quả với chính sách tài khóa khác để ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị NHNN tính toán, đề xuất mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 phù hợp trên tinh thần “đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng”.
Cũng tại Hội nghị này, lãnh đạo NHNN cho biết đến cuối năm 2019, tổng dư nợ tín dụng đã tăng khoảng trên 13% so với cuối năm 2018. Số tăng trưởng này gấp gần 2 lần tăng trưởng kinh tế, cho thấy hiệu quả sử dụng tín dụng được tăng cường trong khi giai đoạn trước, có thời điểm để có 1% tăng trưởng cần tới 3-5% tăng trưởng tín dụng.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định NHNN sẽ không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Năm 2019, cũng chứng kiến nhiều đợt giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng, nhất là vào tháng 9/2019, NHNN điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành cũng như giảm trần lãi suất huy động, lãi cho vay, lãi nghiệp vụ thị trường mở.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng khẳng định, NHNN sẽ không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hóa.
“Việt Nam không thao túng tiền tệ”, Thống đốc NHNN khẳng định.
Theo người đứng đầu ngành ngân hàng, dự trữ ngoại hối đạt gần 80 tỷ USD có ý nghĩa lớn cho an ninh quốc gia, phòng ngừa những tác động bên ngoài, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước vào năng lực thực tế của Chính phủ và NHNN.