Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng thăm chính thức Pháp và dự Đại Hội đồng LHQ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam hôm nay lên đường thăm chính thức Cộng hoà Pháp và tham dự phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng LHQ khóa 68 tại Mỹ.

Những quan chức tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gồm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng; Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh:

Đưa quan hệ Việt-Pháp lên tầm cao mới

Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean-Marc Ayrault, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức CH Pháp từ ngày 24 tới 26/9.

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ ngày 12/4/1973. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Pháp ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.

Hiện hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và đã thiết lập nhiều cơ chế hợp tác như: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, họp thường kỳ hai năm một lần, Kỳ họp lần thứ 5 đã diễn ra tại Việt Nam từ ngày 15 tới16/3/2012; Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng; Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế; Hội nghị hợp tác phi tập trung... Hai bên cũng hợp tác tốt tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, ASEM, ASEAN-EU...

Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-Pháp. Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Đức và Anh). Trao đổi thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,2 tỷ USD.

Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, đồ gia dụng, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử; hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, dược phẩm, sản phẩm cơ khí, điện tử, hóa chất...

Về đầu tư, Pháp đầu tư vào Việt Nam từ năm 1988. Tính đến 31/12/2012, Pháp đứng thứ 2 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan) và đứng thứ 15/92 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 375 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD.

Pháp luôn giữ vị trí là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam. Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam cuối năm 2012, Pháp cam kết cấp gần 340 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2013. Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á (sau Afghanistan). Việt Nam là một trong ít nước được hưởng cả 3 kênh viện trợ tài chính của Pháp, gồm viện trợ phát triển chính thức từ ngân khố; cho vay ưu đãi từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và từ Quỹ Đoàn kết ưu tiên (FSP).

Hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ, nông nghiệp, pháp luật, an ninh-quốc phòng... thời gian qua cũng đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Cộng hòa Pháp, đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu, thành viên G8 và Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm khẳng định tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt-Pháp, góp phần làm sâu sắc và đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, qua đó, nâng cao vị thế của Việt Nam ở châu Âu.

Việt Nam – thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và khởi động tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự Phát triển của Liên Hợp Quốc sau năm 2015 và xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững với chủ đề được đề xuất là: “Đặt nền tảng xây dựng Chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015”.

Các vấn đề nổi lên tại khóa họp năm nay gồm: Thúc đẩy việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và bất ổn trong đó có tình hình Syria, vấn đề Palestine, vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và Iran; tình hình Afghanistan, Ai Cập, Mali, CH Trung Phi; thảo luận về các biện pháp thúc đẩy quyền con người, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững; việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và tiến trình xây dựng Chương trình nghị sự Phát triển của Liên Hợp Quốc sau năm 2015 và xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); vấn đề biến đổi khí hậu; cải tổ Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc đối phó các thách thức toàn cầu.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu tham dự Phiên thảo luận cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 (từ 26-18/9) nhằm tiếp tục triển khai sâu rộng đường lối hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Liên Hợp Quốc nói chung  và với các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc nói riêng.

Bên cạnh đó, các hoạt động tiếp xúc song phương của Thủ tướng bên lề phiên thảo luận cấp cao là cơ hội để tăng cường quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đưa các mối quan hệ song phương đi vào chiều sâu và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đối với tiến trình phát triển và hội nhập của Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 68 vào ngày 27/9/2013.

Bài phát biểu sẽ chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin chiến lược góp phần củng cố hòa bình, giải quyết các xung đột trên thế giới, thể hiện Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công việc chung của Liên Hợp Quốc.

Chinhphu.vn

Bạn có thể quan tâm