Theo Reuters, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha chính thức được tiêm ngừa Covid-19 bằng vaccine AstraZeneca vào ngày 16/3.
Ông và thành viên nội các chính phủ Thái Lan đã nhận mũi tiêm thứ nhất vào ngày 12/3. Tuy nhiên, nhà chức trách Thái Lan cuối tuần qua vẫn tạm ngưng sử dụng vaccine do Đại học Oxford và AstraZaneca phối hợp phát triển. Quyết định tạm ngưng dựa trên lo ngại về một số trường hợp rối loạn đông máu đã được ghi nhận ở châu Âu.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha trong một cuộc họp báo vào đầu tháng 3, phun dung dịch sát khuẩn vào người phóng viên. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Y tế Thái Lan đến ngày 15/3 mới tuyên bố nối lại chương trình chủng ngừa Covid-19 trên diện rộng bằng vaccine AstraZaneca.
Thông báo được đưa ra sau khi Cơ quan Y tế Châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định chưa đủ bằng chứng kết luận triệu chứng rối loạn đông máu liên quan trực tiếp đến vaccine.
Hãng dược Anh - Thụy Điển cũng công bố báo cáo khoa học bác bỏ các hoài nghi. Báo cáo đồng thời khẳng định số ca rối loạn đông máu không cao bất thường ở người tiêm vaccine, so với nhóm dân số không tiêm vaccine của hãng.
Tây Ban Nha là nước mới nhất tạm ngưng sử dụng vaccine AstraZaneca vì lo ngại về tác dụng phụ. Trước đó, một loạt quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU0, gồm Pháp, Đức, Ireland, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan đã hoãn sử dụng một phần hoặc toàn bộ vaccine AstraZaneca cho việc chủng ngừa Covid-19.
Một vài trường hợp người tiêm vaccine sau đó tử vong đã được ghi nhận ở Áo và Italy. Na Uy cũng có một ca tử vong vì giảm tiểu cầu và 3 trường hợp nhập viện với "triệu chứng không bình thường".
Đan Mạch phát hiện một trường hợp 60 tuổi tử vong sau khi tiêm vaccine AstraZeneca với các triệu chứng "đặc biệt bất thường".