Phát biểu tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của ngành tài chính sáng 10/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà ngành tài chính đạt được trong năm 2019, đóng góp vào thành công chung của nền kinh tế.
'Tình hình ngân sách không quá căng thẳng như mọi năm'
Thủ tướng cho biết năm 2019 tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại, quan hệ chính trị các nước nổi lên rất nhiều vấn đề khó lường. Trong khi đó, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP hơn 200%. Vì vậy, mỗi động thái của quốc tế, khu vực đều ảnh hưởng tới Việt Nam.
Tuy nhiên, 2019 cũng là năm hoàn thành xuất sắc về thu chi NSNN, quản lý thu chi đóng góp vào thắng lợi toàn diện của nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng kinh tế trong nước không những tăng về số lượng chỉ tiêu mà còn tăng cả về chất lượng, năng suất lao động tăng, cơ cấu chuyển dịch nhanh và tương đối chắc chắn, nhất là công nghiệp, dịch vụ.
“Lần đầu tiên sau nhiều năm, 100% địa phương cả nước đều vượt thu NSNN. Tình hình ngân sách cũng không quá căng thẳng như mọi năm. Các lĩnh vực thu lớn đều vượt thu, nhất là NSTW, nếu tính đầy đủ sẽ vượt thu xấp xỉ 10%”, Thủ tướng nói.
Ngoài ra, năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam cũng đạt gần 517 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại Hội nghị sáng 10/1. Ảnh: BTC. |
Thủ tướng nhấn mạnh việc tăng trưởng nguồn thu tốt nhưng các chỉ số vĩ mô lớn quan trọng đều giữ ổn định làm nền tảng cho sự phát triển bền vững, từ lạm phát, nợ công, bội chi ngân sách…
“Những chỉ tiêu quan trọng này cho thấy sự phát triển kinh tế đi liền với khả năng chống chịu tốt hơn trước các biến động”, ông Phúc nói.
Nhiều người khá giả để thực hiện một người lo bằng kho người làm
Về chất lượng thu nhập của người dân được cải thiện những năm gần đây, Thủ tướng cho hay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,45% là điều rất đáng mừng. Trong đó, khu vực nông thôn mới được tập trung xây dựng, và hoàn thành trước gần 2 năm so với mục tiêu Đảng và Quốc hội giao ban đầu.
“Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều là thành công của công cuộc xóa đói giảm nghèo. Có nhiều người khá giả hơn để thực hiện mục tiêu một người lo bằng kho người làm”, Thủ tướng nói.
Ông Phúc cho hay, số lượng người có thu nhập cao tăng lên sẽ giúp giảm rất nhiều số chi cho đầu tư mới. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang gia tăng rất nhanh gần đây, hiện tại là trên 15% dân số và ước tính sắp tới sẽ là 20%, 25% để xã hội khá giả hơn.
“Đó là kết quả tốt đẹp của công cuộc xóa đói giảm nghèo sau 30 năm đổi mới”, Thủ tướng khẳng định.
Còn dư địa để phát triển
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng nền tảng của sự phát triển là vấn đề quan trọng nhất. Trong đó, nền tảng tài chính các quỹ đã được nâng lên.
“Trước đây chúng ta phải vay lãi suất cao, nhưng hiện tại, lãi suất vay trong nước rất đáng mừng. Quỹ Bảo hiểm xã hội hơn 40 tỷ USD. Quỹ này bảo vệ thì an toàn tuyệt đối. Khâu vay lãi suất thấp rất quan trọng với một đất nước 100 triệu dân đang vươn lên với mức thu nhập bình quân 3.000 USD/năm”, ông Phúc nói.
Thủ tướng cũng cho rằng việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp 2,79%, qua đó giúp tăng trưởng gấp đôi lạm phát nhiều năm liên tục đã củng cố nền tảng vĩ mô.
"Thành công của Việt Nam do sự linh hoạt của chính sách tài khóa, tiền tệ. Không ổn định vĩ mô thì tăng trưởng không thể tốt được. Nếu phát triển mà lạm phát cao thì đời sống người dân cũng không tốt”, Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: BTC. |
Tuy vậy, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh chính sách tài chính của nước ta vẫn cần khơi thông hơn nữa để giải phóng nguồn lực ở mọi lĩnh vực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu để "chiếc bánh nguồn thu" ngày càng lớn hơn, và bền vững hơn.
Cũng phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và chuẩn bị, tạo đà cho kế hoạch 5 năm tiếp theo (2021-2025) và Cciến lược 10 năm 2021-2030.
Trong đó, các mục tiêu, nhiệm vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng giao cho ngành tài chính năm 2020 bao gồm tăng thu NSNN khoảng 3% so với dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ động viên vào NSNN là 22,2% GDP; bội chi NSNN là 3,44% GDP.
Về tình hình nợ công, hiện tại nợ công đã ở mức 55% GDP và đến năm 2020 sẽ duy trì ở mức 54,3% GDP; nợ chính phủ là 48,5% GDP; nợ nước ngoài của Quốc gia là 45,8% GDP. Và nợ thuế sẽ tiếp tục kiểm soát dưới 5% tổng thu NSNN.