Sáng 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ủy ban để đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, 6 tháng qua, công tác chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Còn tâm lý "cát cứ"
Đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch 85%); tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng là 71,75% (kế hoạch 75%)…
Cả nước đã phát triển 35 nền tảng số quốc gia, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bên cạnh đó các bộ, ngành phối hợp phát triển 50 nền tảng số khác, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số…
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Nhật Bắc. |
Hiện nay đã có hơn 900/3.000 hệ thống thông tin của cơ quan Nhà nước được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin. Công tác xây dựng Chính phủ số được quan tâm, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển.
So với cùng kỳ năm 2021, hoạt động của người dân trên môi trường số 6 tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người dùng và thời lượng sử dụng, đặc biệt ở các nền tảng số do Việt Nam sở hữu và phát triển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng ghi nhận không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu và yếu, nhất là ở cơ sở; kinh phí dành cho chuyển đổi số còn hạn chế. Đặc biệt, thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số...
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban đã thảo luận, phân tích rõ hơn về những kết quả, khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số như: Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến chuyển đổi số vẫn chậm được hoàn thiện và triển khai. Việc xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương chậm.
An ninh mạng, an toàn thông tin ngày càng khó khăn, phức tạp. Việc ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến có những lúc, những nơi, với một bộ phận người dân còn khó khăn; tiếp cận các nền tảng còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị thiếu chặt chẽ, còn tâm lý “cát cứ”...
Không chuyển đổi số kiểu "trăm hoa đua nở"
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định việc chuyển đổi các hoạt động quản lý Nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả người dân, doanh nghiệp.
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng hiệu quả, sâu rộng. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.699 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký; hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nhật Bắc. |
Về phát triển kinh tế số, xã hội số, Thủ tướng cho biết tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GDP tiếp tục tăng; nhiều doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số; thuế điện tử, hóa đơn điện tử được phổ cập. Người dân tích cực sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công quốc gia trong các hoạt động kinh tế, xã hội.
Khẳng định chuyển đổi số là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, Thủ tướng lưu ý phải tránh tình trạng cát cứ, cục bộ.
“Công tác chuyển đổi số phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số, nhất là hợp tác công tư, song không theo cách ‘trăm hoa đua nở’; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, theo lời người đứng đầu Chính phủ.
Ông cũng quán triệt không được “đánh trống bỏ dùi”, không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít, hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý, vướng mắc phát sinh, không chậm trễ.
Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, khẩn trương khắc phục những hạn chế bất cập về lỗ hổng bảo mật, lột lọt thông tin và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số; không để chảy máu chất xám hoặc không khai thác hết chất xám của đất nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số, nhất là hợp tác chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực quản lý hiện đại và thu hút đầu tư chất lượng cao.