Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 6 nội dung để xây dựng châu Á hậu Covid

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các quốc gia chia sẻ thông tin và chuyển giao công nghệ để xây dựng mô hình không phát thải khí nhà kính và nền kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu trước Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 diễn ra trực tuyến ngày 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra rằng thúc đẩy tăng trưởng xanh từ sớm sẽ giúp sự phát triển của nền kinh tế bền vững hơn, và đó là 1 trong 6 lĩnh vực ưu tiên để thế giới tăng trưởng bền vững sau đại dịch.

Chủ đề hội nghị lần này là "Định hình kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, bên cạnh tăng trưởng xanh, các quốc gia trong khu vực châu Á cần chú trọng hợp tác trên 5 phương diện khác.

Đầu tiên là phát triển cơ sở hạ tầng có tính chiến lược và chất lượng cao. Đây vừa là biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn, vừa có thể tạo đột phá chiến lược về lâu dài, Thủ tướng nhận định.

Trích dẫn số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra rằng từ nay đến trước năm 2030, châu Á cần đầu tư ít nhất 1.700 tỷ USD mỗi năm vào cơ sở hạ tầng. Thủ tướng hoan nghênh các sáng kiến cơ sở hạ tầng chất lượng cao và có tính chiến lược mà chính phủ Nhật Bản và các đối tác khác đề xuất.

Tang truong xanh anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á lần thứ 26 diễn ra trực tuyến ngày 20/5. Ảnh: VGP.

Tiếp theo, các quốc gia cần thúc đẩy hợp tác công bằng, hiệu quả giữa song phương và nhiều bên để đảm bảo dòng chảy thương mại đầu tư và duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu. Những khuôn khổ kết nối kinh tế mở dựa trên luật lệ như CPTPP và RCEP sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế khu vực.

Khoa học công nghệ cũng là một lĩnh vực hợp tác cần được chú trọng trong tương lai gần, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định. Thủ tướng nhấn mạnh các nước cần đẩy mạnh cơ sở hạ tầng số, hướng tới nền kinh tế và xã hội số, cũng như cải thiện tri thức số của người dân.

Quan trọng hơn, Thủ tướng kêu gọi các bên cùng hợp tác để thiết lập khuôn khổ an ninh mạng, an ninh dữ liệu, quản lý thuế, và hệ thống logistic thương mại điện tử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề cập đến việc đẩy mạnh hợp tác chống dịch để sẵn sàng đối chọi thách thức y tế tương lai.

Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cũng hy vọng nhận được hỗ trợ từ các quốc gia khác, đặc biệt là trên phương diện nghiên cứu, phát triển, và tiếp cận vaccine chống Covid-19.

Cuối cùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định môi trường quốc tế ổn định, hòa bình là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh các bên phải giữ nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và hợp tác bình đẳng đôi bên cùng có lợi.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng yêu cầu các nước giải quyết mọi mâu thuẫn và khác biệt bằng biện pháp hòa bình, theo đúng Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Thủ tướng hy vọng các nước có thể sát sao cùng nhau để thỏa thuận khung của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) sẽ sớm được hoàn thiện.

Được khởi xướng vào năm 1995, Hội nghị quốc tế về Tương lai châu Á là một trong những diễn đàn thường niên có uy tín nhất ở châu Á do Tập đoàn Nikkei (Nhật Bản) chủ trì tổ chức.

Trong hội nghị, các đại biểu thảo luận cởi mở về các vấn đề khu vực, cũng như vai trò và tiềm năng của châu Á trong bức tranh toàn cảnh thế giới và các giải pháp nâng cao vị thế của khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự hội nghị 'Tương lai châu Á'

Bộ Ngoại giao cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự hội nghị quốc tế về "Tương lai châu Á" lần thứ 26 qua hình thức trực tuyến trong hai ngày 20-21/5.

Nhật hứa hợp tác với Việt Nam để bảo đảm vaccine Covid-19 cần thiết

Đó là nội dung trong cuộc điện đàm vào ngày 17/5 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm