Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22 đến 25/11. Ông là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức và cũng là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế đầu tiên Thủ tướng Kishida gặp trực tiếp, sau khi Đảng Dân chủ tự do giành chiến thắng trong tổng tuyển cử Nhật Bản ngày 31/10.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Thủ tướng lên đường thăm chính thức Nhật Bản chiều 22/11. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam được khẳng định tại Đại hội Đảng XIII, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện Việt Nam luôn là bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của Nhật Bản.
Bên cạnh việc ủng hộ Nhật Bản phát huy vai trò xứng đáng ở khu vực và trên thế giới, Việt Nam sẵn sàng cùng Nhật Bản mở ra một giai đoạn phát triển mới, thực chất, hiệu quả hơn trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, an ninh - quốc phòng, địa phương, giao lưu nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh, ngày 2/11. Ảnh: VGP. |
Hai nước cũng sẵn sàng thúc đẩy hợp tác ở một số lĩnh vực trọng yếu, nhất là hợp tác kinh tế, y tế, vaccine, thuốc điều trị Covid-19; hợp tác an ninh - quốc phòng và hợp tác tại các diễn đàn đa phương về những vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.
Thiết lập quan hệ ngoại giao từ tháng 9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều bước tiến, tiếp tục thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào tháng 3/2014, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Trong hợp tác kinh tế, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).
Nhật Bản cũng là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ 3 và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Ngoài ra, hai nước có nhiều hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, lao động, giáo dục, du lịch và đặc biệt là hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam - Nhật Bản.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động đến quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Việt Nam - Nhật Bản cũng tích cực trao đổi và phối hợp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Chính phủ Nhật Bản viện trợ hơn 4 tỷ yen để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam.
Từ đầu năm 2021, Việt Nam đã đưa hơn 30.000 công dân về nước trên các chuyến bay giải cứu và chuyến bay cách ly có trả phí. Chính phủ và Quốc hội Việt Nam hỗ trợ hơn 1,1 triệu khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản.
Hiện, gần 450.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại 47 tỉnh, thành của Nhật Bản và khoảng 20.000 công dân Nhật Bản đang ở Việt Nam.
9 bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng
Tham gia tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản có Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
Ngoài ra, tham gia đoàn còn có lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh, thành phố và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.