Đây là lần thứ hai kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thành viên Chính phủ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Quyết tâm của Chính phủ là đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Không để kinh tế suy giảm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, chống dịch bệnh trong sản xuất kinh doanh và ổn định dân sinh.
Tập trung cho cả mặt trận kinh tế
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.
Với ảnh hưởng của dịch bệnh, của giãn cách xã hội kéo dài, trong 4 tháng trở lại đây tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất.
"Nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ", ông Tấn Công nói.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI. Ảnh: TTXVN. |
Tất cả thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực, trong đó nghiêm trọng nhất là các lĩnh vực du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.
Theo Chủ tịch VCCI, về lao động, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Tình trạng người lao động mất việc làm do ảnh hưởng từ dịch bệnh phổ biến nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung.
Doanh nghiệp đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công
Chủ tịch VCCI cho biết sức chịu đựng của doanh nghiệp trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, của giãn cách xã hội, cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng. Trong đó thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).
Ông Tấn Công đánh giá đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái zero Covid (đưa số ca nhiễm về 0). Do đó, Chủ tịch VCCI cho rằng Việt Nam cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.
"Doanh nghiệp đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, Chủ tịch VCCI nói.
Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế.
Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.
Thủ tướng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
“Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN. |
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang gặp những khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới. Nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, Thủ tướng cũng khẳng định, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ.
Ông cho rằng khi tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Sau một thời gian phòng chống dịch quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó Việt Nam đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
“Nếu chúng ta chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn.
Đề xuất sớm hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Đây là lần thứ hai trong 1,5 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN. |
Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Trong đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanhh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu một số ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây để sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, và sửa đổi Nghị quyết số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng.
Ngoài ra, Thủ tướng có thể giao Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức 10-30%. Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu dự thảo quy định về trường hợp bất khả kháng đối với các dự án, công trình chịu tác động trực tiếp từ các biện pháp chống dịch Covid-19.