Chiều 18/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ, thảo luận đề án đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng.
Theo người đứng đầu Chính phủ, đổi mới quản lý Nhà nước cần được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt lĩnh vực kinh tế cần đi trước một bước để đưa đất nước phát triển.
“Đây là đề án quan trọng, quy mô và phạm vi rất rộng, tác động, ảnh hưởng rất lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mới của đất nước sau Đại hội Đảng XIII”, Thủ tướng nói. Vì vậy, ông đề nghị Thường trực Chính phủ thảo luận để thống nhất định hướng chỉ đạo hoàn thiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đổi mới quản lý Nhà nước cần được thúc đẩy mạnh mẽ, đặc biệt lĩnh vực kinh tế cần đi trước một bước để đưa đất nước phát triển. Ảnh: VGP. |
Nhận định một trong những nguyên nhân của các thành tích đạt được thời gian qua, Thủ tướng cho rằng đó là việc giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển, coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó đặt vấn đề về kinh tế tư nhân một cách đúng mức. “Chúng ta đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để tháo gỡ”, ông nói.
Bên cạnh đó, vẫn còn các mặt tồn tại, hạn chế, ràng buộc nhất định đối với sự phát triển. Do đó, cần thảo luận đâu là điểm kiềm chế sự phát triển. “Tinh thần là phải đổi mới quản lý Nhà nước về kinh tế để kinh tế phát triển tốt hơn, bền vững hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trình bày báo cáo tóm tắt về đề án, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (cơ quan chủ trì soạn thảo) cho biết về phạm vi, đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế của Nhà nước thuộc nhóm cơ quan hành pháp và chức năng có tính chất tổng hợp, liên ngành.
Đề án đưa ra 5 nhóm giải pháp và 25 nhiệm vụ theo các chức năng cơ bản của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tóm tắt đề án đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế. Ảnh: VGP. |
Về mục tiêu tổng quát, đề án nêu rõ đến năm 2030 đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý Nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.
Chủ trương này nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó là đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thị trường theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.
Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nội dung gắn kinh tế tư nhân với phát triển kinh tế đất nước. Ông đánh giá thời gian qua, kinh tế tư nhân phát triển rất nhanh, xuất hiện nhiều tập đoàn lớn, có nhiều đóng góp vào tăng trưởng.
Vì thế lần này cần nêu rõ hơn cản trở, ràng buộc đối với sự phát triển kinh tế tư nhân và các giải pháp tháo gỡ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh quản lý Nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững.
Nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ về thể chế chính sách, pháp luật, giải phóng sức sản xuất và nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhất trí đưa các nội dung của đề án vào chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.