Chủ trì hội nghị “Công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” sáng 21/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là sự kiện rất quan trọng, liên quan đến trực tiếp đời sống người dân. Hiện tại, 40% dân số Việt Nam liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp.
Trong khi đó, dịch Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Hội nghị sẽ góp phần làm tốt mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa ổn định sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự cho người dân.
Không chế biến sâu khó tăng giá trị
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tiềm năng ngành nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều. Việt Nam hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp, phấn đấu trở thành top 10 nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Thực tế hiện nay, vẫn còn lãng phí thất thoát lớn trong nông nghiệp ở nhiều khâu như thu hoạch, chế biến, bảo quản, cơ giới hóa còn thấp. Do đó, cần thúc đẩy cơ giới hóa và chế biến nông sản trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP. |
Theo Thủ tướng, nếu không chế biến sâu nông sản thì khó tăng giá trị cho ngành nông nghiệp. dù xuất khẩu rau củ quả tươi rất cần thiết. Việc chế biến càng quan trọng khi giúp tránh tình trạng được mùa rớt giá.
“Cần phổ cập chế biến nông sản gắn với các đặc sản. Song song với đó là tìm kiếm thị trường, gồm cả trong và ngoài nước”, ông nói.
Việc cơ giới hóa nông nghiệp sẽ giúp giảm lao động mạnh mẽ hơn, tăng nâng suất lao động. Từ đó, lĩnh vực nông nghiệp không chỉ đủ ăn mà còn làm giàu được.
“Nông nghiệp không chỉ giúp đủ ăn mà còn làm giàu được. Đó là cơ hội, là niềm tin mới mạnh mẽ, có thể phát triển tiềm năng, sự đa dạng của từng địa phương”, Thủ tướng nói.
Ông yêu cầu các doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp. Cần có biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, nông nghiệp phát triển, từ đó đón các thời cơ mới, điều kiện mới.
Ông cũng đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là hợp tác xã rất lớn. Cả nước đã có 15.000 hợp tác xã đang đóng góp rất quan trọng phát triển nông nghiệp.
Nhiệm vụ để cơ giới hóa và đẩy mạnh chế biến
Từ đó, Thủ tướng giao một số nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Thứ nhất, ông yêu cầu kéo dài thời gian vay, giảm lãi suất cho lĩnh vực cơ giới hóa, chế biến nông nghiệp.
Thứ hai, cần áp dụng kỹ thuật khoa học công nghệ để nâng cao giá trị và chất lượng.
Thứ ba, muốn cạnh tranh được phải giảm giá thành, chi phí, nhất là chi phí logistics. "Ví dụ chi phí xuất khẩu 1 quả xoài đi thì logistics đã chiếm 50% giá trị sản phẩm. Cần phải giảm chi phí này", người đứng đầu Chính phủ nói.
Hội nghị “Công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp” sáng 21/2. Ảnh: Đình Tùng. |
Thứ tư, Thủ tướng cho rằng cần xây dựng thương hiệu, từ đó quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn. Chính phủ cũng sẽ quan tâm việc tích tụ đất đai trong nông nghiệp. Song song với đó là đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu.
Thứ năm, cần liên kết "4 nhà" trong chuỗi nông nghiệp. Đồng thời, cơ quan quản lý cần quan tâm chỉ đạo.
Sau hội ngị này sẽ có một chỉ thị của Thủ tướng, trong đó có những định hướng lớn, chiến lược phát triển nông nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp.