Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thủ tướng nói về 8 chữ 'G' thách thức Đồng bằng sông Cửu Long

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 8 chữ "G", tương ứng 8 vấn đề thách thức mà các tỉnh miền Tây phải đối mặt trong thời gian tới, đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu.

hoi nghi chong bien doi khi hau dong bang song cuu long anh 1

Mở đầu hội nghị lần thứ ba của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sáng 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn 2 câu thơ: “Sông Cửu Long 9 cửa, 2 dòng/Người thương anh vô số nhưng chỉ một lòng với em”.

Ông nhấn mạnh miền Tây có vị trí và vai trò chiến lược quan trọng. Vùng này chiếm 12% diện tích cả nước, 19% dân số, 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây… World Bank đánh giá khu vực này chiếm 2% sản lượng gạo thương mại toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng hội nghị có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tìm giải pháp phát triển bền vững vùng đất "9 rồng”, tạo thành vùng kinh tế động lực quan trọng cho đất nước.

8 chữ "G" đặt ra

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến 8 chữ “G”, để nói về 8 vấn đề thách thức đang đặt ra với vùng ĐBSCL.

Chữ “G” đầu tiên là "giao thông và thủy lợi". Thủ tướng nhấn mạnh phải dành nguồn lực và ưu tiên phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện. Hạ tầng sẽ giúp giảm chi phí, thúc đẩy giao thương. Chính phủ đã thống nhất thực hiện đường ven biển Đông và biển Tây, tạo đột phá về kinh tế - xã hội - quốc phòng, số người được hưởng thụ là rất lớn.

Chữ “G” thứ hai là "giáo dục và phát triển nguồn nhân lực". Thủ tướng đánh giá đây là chìa khóa cho bài toán phát triển trong cả ngắn hạn và dài hạn. Ông đề nghị mọi người phải được học hết phổ thông, không để trẻ em không được đến trường vì không có điều kiện tài chính. Thứ hai là chú trọng dạy nghề, ngoài ra còn đào tạo bậc cao, để có thể tăng năng suất, vươn lên trong chuỗi giá trị.

hoi nghi chong bien doi khi hau dong bang song cuu long anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tỉnh miền Tây cần tận dụng lợi thế sông ngòi để phát triển kinh tế. Ảnh: Phạm Ngôn.

Chữ “G” thứ ba là "giang", nghĩa là sông ngòi. Thủ tướng cho rằng kinh tế và sinh kế khu vực gắn liền nhiều con sông. Do đó, chiến lược phát triển cần tận dụng lợi thế của các con sông cho cả kinh tế và giao thông. Vai trò của các con sông cần được nhấn mạnh hơn nữa, ông đề xuất nghiên cứu khái niệm kinh tế sông. Đây là lợi thế khác biệt của vùng so với vùng khác của cả nước.

Chữ “G” thứ tư là “gắn”, được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là liên kết vùng, gắn nơi sản xuất với nơi tiêu thụ, gắn người dân và doanh nghiệp. Ông nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Ngoài ra, các tỉnh miền Tây không thể độc lập thực hiện chiến lược phát triển chống biến đổi khí hậu trong dài hạn. Do đó, thực tế đòi hỏi có sự liên kết chặt chẽ, hợp tác cùng chia sẻ cơ hội, đóng góp nguồn lực của các tỉnh.

Chữ “G” thứ năm được nhắc đến là “giàu”. Thủ tướng nhấn mạnh các tỉnh miền Tây cần thu hút doanh nghiệp, nguồn lực đến đầu tư. Muốn vậy cần phải có chính sách xây tổ đón “đại bàng”, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.

Chữ “G” thứ sáu là "giỏi". Người đứng đầu Chính phủ cho rằng 13 tỉnh miền Tây cần thu hút các tài năng, chất xám đến đóng góp cho sự phát triển.

Chữ “G” thứ bảy được nhắc đến là “già”. Thủ tướng nhắc đến tình trạng già hóa dân số của ĐBSCL cao hơn bình quân cả nước. Nhóm người già cũng là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về kinh tế, xã hội, môi trường. Do đó, các tỉnh cần chủ động vấn đề già hóa dân số, nâng đỡ phúc lợi cho người dân và người già.

Chữ “G” cuối cùng được Thủ tướng nói là “giới”. Ông cho rằng cần thúc đẩy bình đẳng giới, tạo bình đẳng trong tiếp cận cơ hội việc làm, tiếp cận công nghệ cho phụ nữ.

Nhanh chóng hoàn thiện các thị trường chủ chốt

Để khắc phục những vấn đề đang đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các tỉnh ĐBSCL cần nhanh chóng tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất, bằng các dự án cụ thể, hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp. Song song với đó là trung hòa các tác động của biến đổi khí hậu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách.

Ngưới đứng đầu Chính phủ cho rằng cần nhanh chóng hoàn thiện các thị trường chủ chốt tại khu vực này như thị trường lao động, thị trường vốn, thị trường công nghệ…

Về thị trường lao động, ông lưu ý đây là thị trường quan trọng. Các tỉnh cần chủ động đào tạo, ứng với nhu cầu thị trường.

hoi nghi chong bien doi khi hau dong bang song cuu long anh 3

Hội nghị năm nay thu hút nhiều học giả, nhà khoa học, tổ chức quốc tế cùng sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh miền Tây. Ảnh: Phạm Ngôn.

Về thị trường đất sản xuất, ông đề nghị một số cơ quan Trung ương điều chỉnh quy hoạch diện tích đất trồng lúa, theo hướng tạo điều kiện cho cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, đảm bảo thu nhập và sinh kế. Thủ tướng cho biết sẽ sửa Luật Đất đai vào cuối năm 2021, tạo cơ hội và lợi thế riêng cho các tỉnh vùng này.

Về thị trường công nghệ, Thủ tướng đề nghị quan tâm đến khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ ứng phó với chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần có cơ chế chia sẻ nghiên cứu khoa học, công nghệ, thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng thị trường vốn tại ĐBSCL chưa phát triển tương ứng. Khả năng tiếp cận tài chính, tín dụng của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, cần đẩy nhanh cơ chế thành lập các quỹ, doanh nghiệp cung cấp vốn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý đến việc hoàn thiện các liên kết “cứng” và liên kết “mềm”. Theo đó, liên kết cứng là các dự án giao thông trọng điểm, liên kết các tỉnh với nhau cần được đẩy nhanh theo đúng quy hoạch.

Ngoài ra, cần thúc đẩy liên kết các tỉnh với nhau, và 13 tỉnh miền Tây với TP.HCM và các trung tâm kinh tế khác; đồng thời nhanh chóng xây dựng thí điểm về thể chế và chức năng, nguồn lực cho các khuôn khổ hợp tác của hội đồng vùng, sớm trình Chính phủ xem xét.

Đưa ĐBSCL sánh vai cùng cả nước

Trong tầm nhìn 2045 với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần đưa ĐBSCL đi lên, sánh vai cùng cả nước.

Ông nhấn mạnh nếu thu nhập bình quân ở ĐBSCL vẫn ở mức trung bình, hàng ngày phải chống biến đổi khí hậu thì mục tiêu 2045 coi như chưa đạt được.

“Sự thành công chỉ được quyết định bằng hành động cụ thể của chính quyền các địa phương nhân hội nghị quan trọng này”, Thủ tướng nói.

hoi nghi chong bien doi khi hau dong bang song cuu long anh 4

Thủ tướng khởi xướng tổ chức một diễn đàn trong sáng kiến 2045 tại khu vực ĐBSCL. Ảnh: Phạm Ngôn.

Qua đây, Thủ tướng cũng khởi xướng tổ chức một diễn đàn trong sáng kiến 2045 tại ĐBSCL. Tại diễn đàn, các chuyên gia, trí thức, giới khoa học, doanh nghiệp có thể gặp gỡ và bàn các giải pháp phát triển khu vực này.

Cuối cùng, ông nhắc đến trách nhiệm trong thời gian tới là rất nặng nề, nhất là khi tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng còn phức tạp. Ông đề nghị không được kể công những việc đã làm được trong thời gian qua.

“Không được kể công kết quả chỉ đạo của chúng ta thời gian gần đây. Kết quả này là trách nhiệm của chúng ta và chỉ là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Lần thứ ba Chính phủ bàn giải pháp phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị bàn giải pháp phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

ĐBSCL thay đổi thế nào sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 'vàng'?

Chuyên gia cho rằng triển vọng lúa nước ở ĐBSCL không mất đi, nghề trồng trọt, nuôi tôm cũng phát triển hơn nếu Chính phủ đầu tư đồng bộ và thực hiện quy hoạch sản xuất theo vùng.

Thuận Hiếu

Ảnh: Phạm Ngôn

Bạn có thể quan tâm