Cụ thể trong giai đoạn này, vùng ĐBSCL được đầu tư từ ngân sách trung ương cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý là 79.905 tỷ đồng, chiếm 18,05% so với cả nước. Trong ảnh là hạ tầng đô thị TP Cần Thơ, trung tâm kinh tế - văn hóa vùng ĐBSCL. |
Trước đó, giai đoạn 2011-2015 ngân sách Trung ương chi đầu tư cho toàn vùng chỉ chiếm 12,2% so với cả nước. Nếu so sánh thì nguồn lực đầu tư từ Trung ương vào ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 tăng rõ rệt. Trong ảnh là dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, kinh phí thực hiện trên 14.000 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đây sẽ là bước ngoặt lớn giải bài toán kẹt xe trên tuyến quốc lộ 1 kết nối miền Tây với TP.HCM. |
Bên cạnh đó, vốn đầu tư qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khoảng 28.200 tỷ đồng, đầu tư qua Bộ Giao thông vận tải khoảng 32.961 tỷ đồng và các nguồn vốn khác. Trong ảnh là hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được xây dựng tại Kiên Giang, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 trên 3.300 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. |
Giai đoạn 1 dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2021 và có thể vận hành ngay sau đó. Đây là dự án thủy lợi khổng lồ, khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giúp vùng ĐBSCL ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng nhiều trong những năm gần đây. |
Từ những khoản tiền đầu tư trăm nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 và nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư những năm trước, diện mạo vùng ĐBSCL có nhiều chuyển biến, ngày càng khởi sắc, phát triển, hiện đại hơn. Trong ảnh là thành phố Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang. Diện mạo thành phố đảo đang đổi thay từng ngày nhờ sự quan tâm đầu tư, phát triển. |
Cáp treo Hòn Thơm là sản phẩm du lịch chất lượng cao, được doanh nghiệp đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng ở phía nam thành phố Phú Quốc. Ngoài ra, hàng loạt dự án đầu tư của Trung ương, các Bộ, ngành, doanh nghiệp... biến Phú Quốc trở thành thành phố du lịch đẹp, hiện đại bậc nhất vùng ĐBSCL và cả nước. |
Đến thời điểm hiện tại, giao thông vùng ĐBSCL đã thông thoáng, kết nối TP.HCM đến tận vùng Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Đây cũng là một trong những thành tựu tự hào của vùng. Trong ảnh là cầu Mỹ Thuận, nối Tiền Giang - Vĩnh Long, một trong những chiếc cầu dây văng lớn nhất miền Tây. |
Năm 2020, vùng ĐBSCL gieo trồng hơn 1,5 triệu ha lúa mỗi vụ, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Sản lượng lúa cả năm toàn vùng ước đạt hơn 24 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu gạo năm 2020 của các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của Việt Nam nói chung cũng khởi sắc. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia. |
Cũng trong định hướng đến năm 2030, vùng ĐBSCL tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Trong ảnh là hệ thống điện gió Bạc Liêu, dự án điện gió lớn nhất nước. Hiện nhà máy này đang chuẩn bị khởi động đầu tư xây dựng giai đoạn 3. Dự kiến sau khi hoàn thành, toàn nhà máy sẽ có 133 trụ tuabin gió, nâng tổng công suất lắp máy lên 241,2 MW. |
Phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế xanh... được xem là định hướng khả quan trong tương lai của ĐBSCL. Bởi đây là hệ thống kinh tế ít đòi hỏi về điều kiện tự nhiên, nguyên liệu và không gian phát triển. Trong ảnh là một dự án điện năng lượng mặt trời tại tỉnh Hậu Giang. |
Bộ mặt kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL được xác định dựa vào ba trọng tâm: Thủy sản - cây ăn quả - lúa, đảm bảo gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa. Đây cũng là vựa lúa số 1 cả nước. Sản lượng lúa toàn vùng ổn định theo từng năm. Tuy nhiên, tác động ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu khiến ngành nông nghiệp toàn vùng gặp không ít khó khăn, thách thức. |
Công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, bên cạnh những số liệu thống kê ấn tượng và tỷ trọng sản xuất, xuất khẩu của ngành nghề này, các doanh nghiệp thường xuyên đối mặt với thách thức đến từ thị trường xuất khẩu, thiếu hụt nguyên liệu, thiếu lao động… |
Từ năm 2020 đến nay, ngành du lịch ĐBSCL có nhiều thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm sâu. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2020 (trước khi có dịch Covid-19), ĐBSCL đón 12,9 triệu lượt khách, tăng khoảng 14% so cùng kỳ. Đây là số liệu ấn tượng, minh chứng cho sức hút du lịch vùng trước khi dịch bệnh xảy ra. Trong ảnh là du khách trải nghiệm du lịch lặn biển ngắm san hô ở thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. |
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù mức hỗ trợ cho vùng ĐBSCL đã được quan tâm, thời gian tới cần tăng cường đầu tư, hỗ trợ hơn nữa để góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững của vùng, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức để phát triển trong tương lai. Trong ảnh là đô thị lấn biển TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Đây là đô thị lấn biển lớn nhất Việt Nam. |