Báo cáo giải trình về các vấn đề quản lý nợ công và điều chỉnh cơ cấu ngân sách Nhà nước trước Quốc hội vào chiều ngày 19/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, dù tăng nhanh từ 51,7% GDP trong năm 2010 lên 60,3% năm 2014 những nợ công vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép.
Theo đó, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, tỷ lệ thu ngân sách trong những năm qua chỉ còn khoảng 21%. Nhu cầu chi tăng mạnh để đảm bảo an sinh xã hội, chi lương, chi quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn với tỷ trọng các khoản chi thường xuyên là 64,8%.
Riêng với việc tăng lương, Thủ tướng cho biết, từ năm 2011, Chính phủ đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ. Ngay trong kỳ họp này, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp.
Dù khẳng định nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn, nhưng Thủ tướng cũng nhấn mạnh nợ đã tăng sát trần cho phép, và Chính phủ sẽ có những biện pháp rốt ráo để giảm áp lực trả nợ trong tương lai. Ảnh: VnEconomy. |
Trước tình hình thu chi ngân sách, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, trên cơ sở bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335.000 tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 7/11, công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây, với lãi suất bình quân 6,8%/năm.
Hiện tại, nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn chủ yếu là là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm. Tuy vẫn ở trong giới hạn an toàn cho phép, nhưng nợ công đã tăng sát trần cho phép, tạo áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Ngoài ra, cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh, tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm, trong khi chi thường xuyên tăng nhanh, chiếm tỷ trọng lớn thì tỷ trọng chi đầu tư giảm và bội chi còn cao.
Để giải quyết bài toán về nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công. Trong đó, quản lý chặt các khoản vay mới, ưu tiên dùng nợ công cho chi đầu tư phát triển, cơ cấu lại nợ, điều chỉnh cơ cấu thu chi ngân sách theo hướng lành mạnh hơn.
Riêng với việc xử lý nợ xấu ở ngân hàng, theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm (tháng 6 là 4,17%; tháng 7 là 4,11%; tháng 8 là 3,9%), ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5 - 2,7%.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9/2012. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3% và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.