Đây là đề nghị được đại biểu Trần Hoàng Ngân đưa ra, khi thảo luận về báo cáo cáo của Chính phủ liên quan đến thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, được Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội sáng 17/11.
Ông Ngân nói cá nhân ông thì hoàn toàn tin tưởng vào số liệu nợ công và nợ xấu được Chính phủ báo cáo, nhưng để “chinh phục” được dân, thì cần có bản báo cáo chi tiết hơn.
Cho biết đến tận sáng 17/11 mới nhận được báo cáo của Chính phủ nên cũng khó đối chiếu thông tin, đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) nhận xét, Chính phủ mới chỉ nêu thông điệp đã làm mà chưa nói về hạn chế của từng lĩnh vực.
Nhận xét thời gian qua Chính phủ đã có sự cố gắng vượt bậc, được cử tri ghi nhận, song đại biểu Châu cũng cho rằng, quản lý ở một số lĩnh vực còn lỏng lẻo nên nhiều việc cứ xảy ra mới chỉ đạo rà soát. Tàu chìm thì rà soát tàu, cầu treo sập thì rà soát cầu, rõ ràng quản lý lỏng lẻo, đại biểu Châu phát biểu.
Với tinh thần đi đến cùng vấn đề, đại biểu Nguyễn Thái Học tiếp tục theo đuổi chuyện mà từ kỳ họp thứ tư ông và một số vị đại biểu đã nêu trước Quốc hôi, đó là hỗ trợ cho đồng bào nghèo trong diện tái định cư ở các công trình thủy điện. Kỳ họp thứ tư Quốc hội cũng có nghị quyết liên quan đến vấn đề nêu trên, với mốc thời gian là trong năm 2013 phải ban hành chính sách này, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành.
Đại biểu Phạm Đức Châu cho rằng, quản lý ở một số lĩnh vực còn lỏng lẻo nên nhiều việc cứ để xảy ra rồi mới chỉ đạo rà soát. |
Theo trả lời của các bộ trưởng, lúc thì Bộ Công thương chủ trì, lúc thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, trong khi có nơi trên 80% số hộ vùng tái định cư ở các công trình thủy điện là hộ nghèo. Đại biểu Học cũng đề nghị Chính phủ cần khẳng định, năm 2014 chính sách này có được ban hành hay không để trả lời cho cử tri được biết.
Một năm trước, cũng trong phiên thảo luận về báo cáo của Chính phủ như hôm nay, ông Nguyễn Thái Học cũng đã từng lên tiếng đòi xem xét trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội trong vấn đề nêu trên.
Đề cập đến một trong những hạn chế lớn được Chính phủ nêu tại báo cáo là công tác phòng chống tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhấn mạnh đến yếu tố con người và yếu tố niềm tin. “Toàn cán bộ, đảng viên được giao giữ tài sản mà sao tài sản mất nhiều thế, yếu tố con người cực kỳ quan trọng”, ông Thuyền nói.
Về yếu tố niềm tin, dẫn lời một vị trả lời trên VTV là cán bộ của ông này chưa bao giờ đòi tiền nhưng vì dân cứ đưa tiền, đại biểu Thuyền cắt nghĩa, do không còn niềm tin nên đi đến đâu dân cũng đưa tiền. "Đã làm quan thì tất nhiên có lộc, nhưng lộc quan thì khác còn ăn chặn tiền của dân thì lại khác", ông Thuyền phát biểu.
Cũng liên quan đến yếu tố con người, nhưng là cán bộ cấp cao, đại biểu Lê Nam cho rằng, những thông tin liên quan đến cán bộ cấp cao thì cần phải công khai với nhân dân. Chẳng hạn những thông tin xung quanh cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhân dân rất quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa báo cáo với Quốc hội. "Chỉ cần một vụ như thế cũng có thể khiến nhân dân mất lòng tin, nếu chỉ 'tắm từ vai xuống' thì nhân dân không tin đâu", đại biểu Nam nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn mời Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh phát biểu và đề nghị nếu có kết quả liên quan đến vụ việc của ông Trần Văn Truyền thì báo cáo Quốc hội luôn. Nhưng Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã không đề cập. Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nhắc lại đề nghị về vụ ông Trần Văn Truyền.
Tổng thanh tra cho biết, ông Truyền thuộc thẩm quyền quản lý của Ban bí thư và hiện nay Ủy ban Kiểm tra Trung ương chưa có kết luận nên chưa thể báo cáo Quốc hội được.