Theo báo cáo của UBGSTCQG, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Cụ thể, lạm phát cơ bản ở mức 3,09% trong tháng 10/2014, tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm. Với xu hướng trên, UBGSTCQG dự báo, nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì lạm phát cả năm 2014 sẽ không quá 4%.
Ủy ban dự báo lạm phát 2014 và 2015 sẽ tiếp tục ổn định bởi tác động của yếu tố cầu kéo lên lạm phát là không đáng kể (tổng cầu thấp); ngoài ra, các yếu tố chi phí đẩy dự kiến cũng không tác động đáng kể lên lạm phát, do giá cả hàng hóa thế giới được dự báo là sẽ ổn định trong năm 2015.
Thị trường tài chính – tiền tệ cũng ổn định với thanh khoản hệ thống ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng được giữ ổn định ở các kỳ hạn. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đồng loạt giảm lãi suất huy động ngay từ đầu tháng. Tăng trưởng tín dụng tính đến 30/9/2014 đạt 7,26%, là mức tăng khá so với mức tăng cùng kỳ năm 2013 (6,2%). Mặc dù có biến động do yếu tố tâm lý vào đầu tháng 10, tỷ giá nhìn chung vẫn khá ổn định nhờ mức thặng dư thương mại 2,2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.
Ảnh minh họa. |
Thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng, số lượng giao dịch thành công tăng liên tục. Giá nhà ở đã dần ổn định sau thời gian dài giảm sâu. Doanh thu bình quân toàn khu vực DN trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 20,1% so với cùng kỳ 2013, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009.
Về những thách thức của nền kinh tế từ nay đến cuối năm 2014 và trong năm 2015, bên cạnh những mặt tích cực, UBGSTCQG nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ (DNVVN). Hiệu quả kinh doanh của nhóm DN này liên tục suy giảm kể từ năm 2008.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư cũng bị hạn chế. Cụ thể, đầu tư công bị hạn chế bởi giới hạn nợ công. Áp lực trả nợ công từ NSNN tăng. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN tăng nhanh.
Nếu không tính khoản vay về cho vay lại, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu NSNN đã tăng từ 6,8% năm 2010 lên 15,9% năm 2014. Đầu tư tư nhân cũng bị hạn chế khi tín dụng khó tăng cao do: Tổng cầu thấp; DN cũng vẫn còn khó khăn về năng lực tài chính; mặt bằng lãi suất còn cao so với mức lạm phát kỳ vọng. Ngoài ra, thị trường BĐS phục hồi chậm ảnh hưởng đến giá trị tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới nhiều bất chắc tác động nhiều đến đến FDI; tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng 2014, vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam là 13,7 tỷ USD, chỉ bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013.
Vì vậy, UBGSTCQG yêu cầu NHNN xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các TCTD nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM của hệ thống TCTD.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi đồng bộ các luật: Luật Dân sự, Kinh doanh BĐS, Nhà ở theo hướng đảm bảo quyền tài sản để tạo điều kiện rút ngắn thời gian phát mại tài sản đảm bảo, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán nợ, thu hút thêm các nguồn lực mới vào thị trường BĐS; tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng, tăng cầu đầu tư.