Phát biểu chỉ đạo trong buổi kỷ niệm 10 năm thành lập Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (2008-2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành với Ủy ban trên các mặt công tác.
“Nhiều khi các bộ, ngành nghe những lời nói trái tai, nhưng là những lời báo động, cần lắng nghe từ Ủy ban. Lời nói trung thực thường là tốt, cần thiết đối với mọi cán bộ, mọi tổ chức chúng ta”, Thủ tướng chia sẻ về tầm quan trọng của việc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trong việc đưa ra cảnh báo với các bộ, ngành.
Trong bối cảnh tình hình thế giới khó lường hiện nay, cùng với những bất cập trong nội tại nền kinh tế, nhiệm vụ đặt ra đối với các cấp, ngành… trong đó có Ủy ban rất nặng nề.
Với thị trường tài chính, tiền tệ cần phải tiếp tục củng cố, hoàn thiện, hiệu quả hơn, an toàn hơn, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh và bền vững. Ủy ban cần tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là về ổn định kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường, ổn định hệ thống ngân hàng thương mại, chứng khoán, bất động sản.
Thủ tướng nhấn mạnh Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng về những vấn đề quan trọng của nền kinh tế, trong đó 2 lĩnh vực chính là kinh tế vĩ mô và giám sát thị trường tài chính.
Ủy ban cũng cần xây dựng cơ chế điều phối giám sát và giám sát chung thị trường tài chính, chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là các Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, NHNN để đề xuất, báo cáo Thủ tướng.
Ngoài ra, cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình, nhất là những rủi ro tiềm ẩn của thị trường tài chính, các hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản; đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, trong đó gồm cả công cụ xác định rủi ro và các tiêu chí đánh giá an toàn hệ thống tài chính, bảo đảm từng bước theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh việc Ủy ban cần chủ đông hơn trong việc đề xuất các giải pháp ổn định hệ thống tài chính, tiền tệ, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế… Trước tình hình thế giới khó lường hiện nay, cùng với những bất cập trong nội tại nền kinh tế, không được chủ quan, không để “mất bò mới lo làm chuồng”.
Đặc biệt, Ủy ban cần chủ động phối hợp hiệu quả với các bộ, cơ quan giám sát trong việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho các tập đoàn tài chính, ngân hàng và cơ chế giám sát các tập đoàn này. Thủ tướng đánh giá đây là nhiệm vụ rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
Một yêu cầu nữa được đặt ra với cơ quan giám sát tài chính quốc gia là tập trung nghiên cứu, đề xuất mô hình tổ chức bộ máy theo hướng tinh giản, hiệu quả; chất lượng cán bộ tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, có báo cáo chất lượng, kịp thời hơn.