Reuters cho biết vào ngày 2/4, Thủ tướng Abe nói rằng ông sẽ yêu cầu Tổng thống Trump đề cập việc Triều Tiên từng bắt cóc công dân Nhật trong cuộc gặp của ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến diễn ra vào tháng 5.
Trước đó, sau tuyên bố đột ngột của ông Trump đồng ý gặp ông Kim, Thủ tướng Abe đã ngỏ ý ông sẽ đến Mỹ vào tháng 4. Diplomat nhận định đối với chính quyền của ông Abe, ý định gặp ông Kim của Trump, được quyết định đột ngột, không kèm chương trình nghị sự hay thậm chí là địa điểm, đã đặt ra một bài toán khó cho Nhật Bản.
![]() |
Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump trong lần gặp đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm 2017. Ảnh: Reuters. |
Tokyo đã luôn nhất quán với chiến lược "gây áp lực tối đa" lên Triều Tiên của Mỹ, theo đó Washington thuyết phục các đối tác và đồng minh siết chặt trừng phạt, buộc Bình Nhưỡng phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân, tên lửa. Đến tháng 2 vừa qua, Abe và Trump vẫn bày tỏ quyết tâm duy trì áp lực này.
![]() |
Đường bay của tên lửa phóng từ Triều Tiên bay qua Nhật Bản vào sáng 29/8/2017. Đồ họa: Yonhap. |
Một cách đột ngột, căng thẳng xuống thang ở bán đảo Triều Tiên do những nỗ lực thúc đẩy đối thoại từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Washington cũng đang ngả về giải pháp của Seoul. Tokyo có nguy cơ bị đẩy sang một bên.
Dù Nhật và Mỹ là đồng minh, và Hàn Quốc cũng là đồng minh của Mỹ, không có hiệp ước đồng minh giữa 3 bên. Ba nước cùng chia sẻ thông tin tình báo và giải quyết vấn đề Triều Tiên, nhưng Seoul và Tokyo thường gặp khó khăn trong các hợp tác song phương.
Trong khi đó, Nhật Bản, với vị trí địa lý của mình, nằm ngay dưới tầm đe dọa của tên lửa Triều Tiên. Năm 2017, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đạn đạo bay ngang lãnh thổ Nhật Bản và rơi xuống phía bắc Thái Bình Dương.