Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Thủ tướng Nhật Bản 'coi Việt Nam là một nước rất đặc biệt'

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường nhận định chuyến thăm của Thủ tướng Fumio Kishida (30/4-1/5) chứng minh cả hai nước đều coi trọng vai trò của nhau trong khu vực.

thu tuong Nhat Ban toi Viet Nam anh 1

Khi Đại sứ Nguyễn Quốc Cường lần đầu gặp ông Fumio Kishida - lúc đó đang là ngoại trưởng Nhật Bản, ông Kishida cho biết dù bận rộn với vai trò ngoại trưởng, ông vẫn giữ chức tổng thư ký Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam vì coi Việt Nam là đất nước “rất đặc biệt”.

“Ông (Kishida - PV) đánh giá rất cao sự hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề kinh tế và phát triển nguồn nhân lực”, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường nói với Zing, trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Kishida.

Ông Kishida sẽ đến Việt Nam từ ngày 30/4-1/5 trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị thủ tướng Nhật Bản kể từ khi nhậm chức vào tháng 10/2021. Chuyến thăm cũng là sự đáp lễ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 11 vừa qua.

Đại sứ Cường khẳng định việc thủ tướng Nhật Bản đến thăm chính thức chỉ hơn 5 tháng sau lần công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự gặp gỡ, trao đổi thường xuyên giữa lãnh đạo cấp cao của hai nước, cho thấy quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn phát triển rất tốt đẹp.

“Việt Nam cũng như Nhật Bản đều coi trọng vai trò của nhau. Nhật Bản coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, lãnh đạo Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu”, ông nói.

thu tuong Nhat Ban toi Viet Nam anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Fumio Kishida. Ảnh: Nguyên Phúc.

Vị thủ tướng nhiều tình cảm với Việt Nam

Là người đã có nhiều lần gặp gỡ thủ tướng Nhật Bản khi ông còn làm ngoại trưởng, Đại sứ Cường nhận định cá nhân ông Kishida là một người rất có thiện cảm với Việt Nam.

Bên cạnh việc giữ chức tổng thư ký Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, ông Kishida đã thăm Việt Nam ít nhất 3 lần trên các cương vị khác và đóng góp tích cực vào việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014.

Trong một lần, khi Đại sứ Cường thăm thành phố Hiroshima và có dịp gặp gỡ Hội hữu nghị Hiroshima - Việt Nam, đại diện của hội có chuyển cho ông Cường lá thư của ông Kishida.

Trong thư, ông Kishida gửi lời cảm ơn đại sứ lúc đó đến thăm quê hương mình, đồng thời tự hào rằng Hiroshima có quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam khi riêng tỉnh đã có tới hai hội hữu nghị.

thu tuong Nhat Ban toi Viet Nam anh 3

Cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường (nhiệm kỳ 2015 - 2018) chào từ biệt ông Kishida lúc đó là trưởng ban Hội đồng chính sách của đảng Dân chủ Tự do ngày 27/9/2018. Ảnh: Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cung cấp.

Một kỷ niệm khác giữa Đại sứ Cường với ông Kishida là vào năm 2017, khi Việt Nam là chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Tokyo.

“Trước đó, do lịch trình bận rộn nên ông Kishida chưa thể bố trí thời gian gặp các đại sứ ASEAN. Khi Việt Nam lên làm chủ tịch, tôi đề nghị chủ trì mời cơm ông Kishida và các đại sứ ASEAN khác. Ngay lập tức ông đã đồng ý”, ông Cường nói.

Tuy nhiên, ông Kishida không để cho cựu đại sứ mời cơm, mà sắp xếp mời các đại sứ ASEAN đến Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

“Cuộc trao đổi rất bổ ích và thân tình”, ông Cường nhớ lại. “Ngoài câu chuyện giữa ASEAN và Nhật Bản, qua việc này, tôi nhận thấy sự hỗ trợ của ông Kishida với cá nhân tôi khi đó là đại sứ Việt Nam và khi Việt Nam làm chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Tokyo”.

thu tuong Nhat Ban toi Viet Nam anh 4

Ông Kishida khi còn là ngoại trưởng tiếp đại sứ các nước ASEAN vào năm 2017. Ảnh: Cựu Đại sứ Nguyễn Quốc Cường.

Cụ thể hóa 3 sáng kiến

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản, hai bên đã đưa ra tuyên bố chung để mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Cựu đại sứ Cường cho rằng chuyến thăm đáp lễ này là dịp để ông Kishida gặp gỡ những lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam. Ngoài ra, hai bên sẽ vạch ra những định hướng trong quan hệ hai nước những năm tới, cụ thể hóa các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề kinh tế.

Ông Cường cho hay trong chuyến thăm hồi tháng 11/2021, hai bên đã nhất trí 3 sáng kiến, 3 lĩnh vực hợp tác mới.

Lĩnh vực đầu tiên là chuyển đổi số. Sáng kiến thứ hai là đối tác đổi mới công nghiệp, trong đó Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phát triển nền công nghiệp phụ trợ trong thời gian tới.

Sáng kiến thứ ba là hai nước tăng cường hợp tác trong vấn đề đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng này không chỉ giữa Việt Nam và Nhật Bản mà còn mở rộng ra cả khu vực và có ý nghĩa toàn cầu.

“Tôi cho rằng trong chuyến thăm này, hai bên sẽ trao đổi để cụ thể hóa thêm những định hướng tôi đã nêu trên”, ông Cường nhận định.

thu tuong Nhat Ban toi Viet Nam anh 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Fumio Kishida nhân dịp tham dự Hội nghị COP 26 tại Anh. Ảnh: TTXVN.

Đại sứ Cường đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề hợp tác nguồn nhân lực. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện Việt Nam đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 200.000 người.

“Đây là nguồn lực rất quan trọng”, ông Cường nói. “Chắc chắn qua chuyến đi này, hợp tác phát triển nguồn nhân lực sẽ là trọng tâm để thúc đẩy mối quan hệ trong thời gian tới”.

Chuyến thăm của ông Kishida cũng diễn ra vào thời điểm Việt Nam và Nhật Bản chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023.

“Đây là dịp để lãnh đạo hai nước có những văn bản để chuẩn bị cho loạt hoạt động ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ”, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nói.

Dù là thủ tướng nào, Nhật Bản vẫn muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam

Hai người tiền nhiệm của ông Kishida là nguyên Thủ tướng Abe Shinzo và Suga Yoshihide đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để tới thăm sau khi nhậm chức.

Theo Đại sứ Cường, điều này cho thấy quan hệ giữa Việt Nam - Nhật Bản từ thời ông Abe cho đến nay, và thậm chí trong suốt nhiều năm qua, đã luôn theo đà phát triển ngày càng tốt đẹp.

“Từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973 đến nay, đặc biệt là từ thời ông Abe, quan hệ hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp, thực chất và hiệu quả hơn”, ông Cường nói.

Ông nhận định điều đó cho thấy chính sách nhất quán của Nhật Bản. Mặc dù qua các đời thủ tướng khác nhau, Tokyo luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Chính sách này không chỉ nhận được sự ủng hộ của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do mà còn cả các đảng phái khác nhau tại Nhật Bản, kể cả những đảng đối lập.

“Điều đó thể hiện Nhật Bản thực sự coi trọng vai trò của Việt Nam trong khu vực quốc tế”, ông nhấn mạnh.

Đại sứ Cường cho biết thêm trong những năm gần đây, hai nước cũng tăng cường giao lưu nhân dân, giao lưu giữa các địa phương, hỗ trợ nhau trong vấn đề liên quan đến khu vực và quốc tế.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Việt Nam ủng hộ Nhật Bản đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, thậm chí có thể trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, khi cơ quan này cải tổ.

thu tuong Nhat Ban toi Viet Nam anh 6

Mặc dù qua các đời thủ tướng khác nhau, Nhật Bản luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Ảnh: Jiji Press.

Dựa trên tiền đề này, đề cập đến triển vọng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Đại sứ Cường chia sẻ ông rất lạc quan về tương lai phát triển mối quan hệ giữa hai bên.

“Thứ nhất, hai nước không có xung đột lợi ích với nhau. Thứ hai, hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong các vấn đề về quốc tế và khu vực”, ông nói.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh kinh tế hai nước có nhiều tiềm năng để bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Trên thực tế, lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản coi hợp tác kinh tế là trụ cột trong quan hệ giữa hai quốc gia. Tokyo đã nhiều năm là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.

Chẳng hạn, năm 2021, bất chấp ảnh hưởng từ dịch bệnh, Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 3, đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Năm 2021 kim ngạch thương mại song phương đạt 42,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 20 tỷ USD (tăng 4,4 %) và nhập siêu 2,52 tỷ USD.

Một trong những điểm sáng khác trong quan hệ hai nước là sự hợp tác trong lĩnh vực nguồn nhân lực.

“Việt Nam mong muốn Nhật Bản tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao”, ông Cường nói.

Về phần thực tập sinh Việt Nam sang lao động, làm việc tại Nhật Bản, nước bạn cũng đánh giá rất cao đóng góp của những lao động này vào sự phát triển kinh tế và xã hội nói chung, ông cho hay.

Xung đột quốc tế không ảnh hưởng tới quan hệ hai nước

Chuyến thăm của thủ tướng Nhật được kỳ vọng sẽ thể hiện đầy đủ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền ông Kishida sau 6 tháng cầm quyền, và "bắc một cây cầu nối khoảng cách" giữa Nhật Bản với các đối tác Đông Nam Á về một số vấn đề quốc tế, theo Japan Times.

Ngoài Việt Nam, trong chuyến công du này, thủ tướng Nhật còn thăm thêm 2 quốc gia tại Đông Nam Á khác là Thái Lan và Indonesia.

Theo Đại sứ Cường, qua chuyến thăm này, Nhật Bản mong muốn thể hiện rằng nước này coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh, kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, cũng như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung.

“Ý nghĩa kinh tế của chuyến thăm này rất lớn, trong bối cảnh các nước trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Nhật Bản đều đang bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19”, Đại sứ Cường nhận định.

thu tuong Nhat Ban toi Viet Nam anh 7

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 11/2021. Ảnh: VGP.

Đại sứ Cường cũng cho rằng những xung đột hiện tại trên thế giới không làm ảnh hưởng tới quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thứ nhất là về vấn đề Biển Đông, ông Cường đánh giá Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích chung.

Cả hai nước đều hướng tới việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982. Hai nước cũng ủng hộ không quân sự hóa, không làm phức tạp những tranh chấp trên Biển Đông hay đe dọa sử dụng vũ lực.

“Trên Biển Đông, hai nước có nhiều chia sẻ, nhiều điểm chung và tôi nghĩ rằng trong chuyến đi này, ông Kishida sẽ khẳng định lại những lập trường đó từ phía Nhật Bản", ông Cường cho biết.

Về vấn đề xung đột giữa Nga - Ukraine, “đây có lẽ là điểm khác biệt hiếm hoi về những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại, độc lập và tự chủ”, ông Cường nói.

Theo ông, dù hai bên có lập trường khác nhau về vấn đề này, và Nhật Bản hiểu rõ điều đó, chuyến thăm của ông Kishida trong thời điểm hiện nay cũng chứng tỏ phía Nhật Bản vẫn tiếp tục mong muốn tăng cường mối quan hệ thực chất, sâu rộng với Việt Nam.

“Tôi nghĩ dịp này cũng là dịp tốt để thông qua trao đổi, hai nước có thể hiểu suy nghĩ, lập trường của nhau trong vấn đề”, ông nói thêm.

Thủ tướng Nhật sẽ thăm Việt Nam vào cuối tuần này

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm Việt Nam trong các ngày 30/4-1/5, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ 22/11

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Nhật Bản ngày 22-25/11.

Phương Linh - Minh An

Bạn có thể quan tâm