Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng nhắc dịch vụ 5G ở Việt Nam quyết không chậm so với thế giới

Thủ tướng cho rằng trong lĩnh vực viễn thông, cung cấp dịch vụ 5G, Việt Nam kiên quyết không để chậm hơn so với thế giới.

Sáng 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thủ tướng đánh giá Việt Nam năm nay có sự phát triển toàn diện về các lĩnh vực, đặc biệt, nhiều mảng được ứng dụng công nghệ - đó là sự thay đổi lớn và là một chỉ số quan trọng trong phát triển.

Việt Nam có thể trở thành biểu tượng trỗi dậy của châu Á

Theo người đứng đầu Chính phủ, tuyên truyền về công cuộc chuyển đổi số và làm thay đổi nhận thức trong vấn đề này rất quan trọng. Nhưng thực tế, nhiều nơi nhiều cấp chưa có nhận thức về cuộc cách mạng công nghệ mà vẫn làm theo cách cũ.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc anh 1

Thủ tướng đi thăm gian hàng trưng bày các thiết bị công nghệ số. Ảnh: Quang Phúc.

Thủ tướng ghi nhận công tác quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều tiến bộ, đặc biệt lời nói và việc làm đi liền với nhau; xác định được các định hướng lớn của 6 lĩnh vực quản lý Nhà nước; xếp hạng các hạng mục đều tăng.

“Chúng ta vui mừng xem trực tiếp việc triển khai thử nghiệm 5G và vui mừng khi thấy các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được thiết bị 5G. Hiện trên thế giới chỉ có 5 nước làm được điều này, vì thế, đây là thành công rất đáng mừng”, Thủ tướng chia sẻ.

Cùng với đó, ông nhắc đến việc xây dựng hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng ở Việt Nam đã bước đầu có tiến bộ, các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong ngành cũng phát triển lành mạnh và hiệu quả.

“Năm 2020, Chính phủ điện tử đã thay đổi căn bản, kết nối 100% với các đơn vị, địa phương, có trung tâm giám sát an ninh mạng và dịch vụ công quốc gia cấp độ 4, giảm tham nhũng vặt”, Thủ tướng nêu kết quả nhưng cho rằng thứ bậc của Việt Nam về Chính phủ điện tử còn khiêm tốn nên cần thực hiện nhiều chính sách về công nghệ, nâng cao thứ bậc này.

Trong đó, ông nhắc Bộ Công an phải sớm có cơ sở dữ liệu dân cư vì hiện làm chậm quá. “Đến nay chưa làm được cơ sở dữ liệu dân cư thì khó có thể nói là làm tốt”, Thủ tướng nhắc nhở.

Nhắc đến nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng cho rằng trong lĩnh vực viễn thông, cung cấp dịch vụ 5G, Việt Nam kiên quyết không để chậm hơn so với thế giới. Bởi 5G là nền tảng, là hạ tầng để phát triển các ứng dụng công nghệ mới.

Cùng với đó, các nhà mạng viễn thông phải đảm nhiệm thêm vai trò hạ tầng số, hạ tầng thanh toán không tiền mặt, xử lý các loại rác viễn thông như tin nhắn rác, sim rác, thư rác. 

“Năm 2020 phải làm mạnh việc này, doanh thu giảm một tí nhưng tin rác, tin xấu độc được hạn chế”, Thủ tướng lưu ý.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc anh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Việt Nam phải tự tìm cho mình một đôi cánh, một lối đi để tiến lên hiện đại. Ảnh: Quang Hiếu.
Về nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh và công dân số, Thủ tướng đánh giá ta làm chưa phải tốt, chưa có hệ thống. “Chính phủ điện tử là đột phá, chuyển đổi theo hướng Chính phủ phục vụ người dân, kiến tạo, phát triển. Đây là hướng đi đúng đắn cần tập trung hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong vấn đề này, dù đây là chiến lược lâu dài, không thể làm nhanh.

Cùng với đó, đảm bảo an toàn, an ninh mạng vì thực tế, số vụ lộ lọt thông tin ở Việt Nam có giảm nhưng độ an toàn vẫn còn kém. Vì thế, cần vươn tới làm chủ sản phẩm an toàn thông tin mạng.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc đến 4 con hổ là biểu tượng trỗi dậy của châu Á và khẳng định “Việt Nam có thể là biểu tượng trỗi dậy tiếp theo của châu Á” nếu thực hiện được quyết tâm của chúng ta. “Sau 4 con hổ, Việt Nam có thể trở thành con hổ thứ 5 hay không? Câu trả lời là có thể”, ông quả quyết.

Đề cập hình tượng “đường chim bay bao giờ cũng ngắn, thông thoáng và linh hoạt hơn đường bộ”, Thủ tướng cho rằng Việt Nam phải tìm cho mình đôi cánh, chọn cho mình con đường tiến lên hiện đại, hiện thực hóa khát vọng vào 2045.

Đặc biệt, ông nhắc đến việc đổi tên cho Bộ Thông tin và Truyền thông và ngay sau đó đưa ra một gợi ý là Bộ Truyền thông và Kinh tế số. Gợi ý của người đứng đầu Chính phủ được nhiều đại biểu tán thành và nhận nhiều tràng pháo tay từ phía dưới hội trường.

Tắt sóng 2G, hỗ trợ 4G để có "công dân điện tử"

Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định sau một năm nhìn lại, vẫn những con người ấy, nhưng Bộ đã thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm và có những kết quả khích lệ ban đầu.

Tư lệnh ngành thông tin và truyền thông cũng đề cập đến việc thử nghiệm 5G năm 2019, thương mại hoá năm 2020 và khẳng định từ nay, Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm, 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. “Chúng ta chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới”, ông nói.

Thu tuong Nguyen Xuan Phuc anh 3

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Quang Phúc.

Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Theo ông, sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng lịch sử, việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh.

Bộ trưởng khẳng định tắt sóng 2G không chỉ tiết kiệm chi phí khai thác, chi phí tần số cho nhà mạng mà còn đưa 100% dân số sẵn sàng trở thành công dân điện tử.

Về công tác quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng bất kỳ doanh nghiệp nào, dù trong nước hay nước ngoài, nếu làm ăn tại Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. “Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, trên mọi không gian, trong đó có không gian mạng”, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng đánh giá Bộ Thông tin và Truyền thông đã đi qua năm 2019 với rất nhiều cách tiếp cận mới, làm cho một việc khó trở thành khả thi hơn, có thể làm nhanh hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh năm 2020 sẽ là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. "Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực. Công nghệ số sẽ là công cụ tốt nhất để giúp thực hiện công cuộc chuyển đổi rất to lớn này", ông khẳng định.

Căng thẳng Mỹ - Trung đang kìm hãm sự phát triển của mạng 5G

Nhiều chuyên gia nhận định căng thẳng Mỹ - Trung là nguyên nhân chính khiến mạng 5G chậm phát triển.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm