Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Nhà nước luôn bảo vệ quyền lợi người gửi tiền

Nhìn nhận quá trình tái cơ cấu hệ thống tín dụng và xử lý nợ xấu, Thủ tướng khẳng định Nhà nước luôn bảo vệ chính đáng quyền lợi của người gửi tiền trong mọi tình huống xảy ra.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2018 chiều 9/1, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng đi tiên phong trong thực hiện phương châm hành động năm 2018: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, để hỗ trợ cho Chính phủ triển khai chương trình phát triển kinh tế xã hội toàn diện, cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt và vượt mục tiêu quan trọng năm và cả nhiệm kỳ.

Thủ tướng đánh giá cao ngành ngân hàng năm qua đã hoàn thành sớm “ước mơ” dự trữ ngoại hối đạt 50 tỷ USD vào năm 2020. Hiện nay, dự trữ ngoại hối đã vượt mức 53 tỷ USD.

Theo Thủ tướng, chính sách tỷ giá hợp lý chính là đà thúc đẩy giúp dự trữ ngoại hối tăng nhanh năm qua.

thu tuong chi dao nhnn anh 1
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN sớm hoàn thiện khung pháp lý quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Ảnh: Quang Hiếu.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, hiệu quả, duy trì sự ổn định của thị trường tiền tệ và tiếp tục kiểm soát được lạm phát ở mức 3,53%. Qua đó, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách tài khóa, vĩ mô khác phát huy tác dụng, tạo nền tảng duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế.

“Chúng tôi đánh giá cao chính sách lãi suất được điều chỉnh hợp lý. Lãi suất trong năm qua đã giảm 0,5-1%, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vốn”, Thủ tướng cho biết.

Nhìn nhận quá trình cơ cấu lại hệ thống tín dụng và cơ cấu lại nợ xấu được quan tâm triển khai sớm, đạt kết quả tốt, Thủ tướng khẳng định quan điểm: Nhà nước bảo vệ chính đáng quyền lợi của người gửi tiền trong mọi tình huống, chúng ta đủ khả năng làm điều đó.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục của ngành ngân hàng, như chất lượng tín dụng được cải thiện nhưng chưa bền vững. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tương đối tích cực nhưng chưa chủ động theo hướng thị trường. Vẫn còn TCTD yếu kém, nợ xấu cao cần tiếp tục tái cơ cấu...

Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế.

Năm 2017, tín dụng toàn hệ thống tăng 18,17%, gần sát mục tiêu 18% đề ra đầu năm. Đặc biệt, tín dụng với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã được kiểm soát với tốc độ tăng chậm lại. Tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản tăng 8,56%, chiếm tỷ trọng 6,53% tổng dư nợ, thấp hơn so với mức tăng 12,86% và tỷ trọng 7,71% cùng kỳ năm ngoái.

Tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Thủ tướng giao NHNN các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 như quản lý chính sách tiền tệ, tỷ giá tiếp tục điều hành và kết hợp với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; cam kết ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp, thúc đẩy tăng trưởng 2018 cũng như trong trung và dài hạn.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu quản lý tốt thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, dự báo được những biến động bất lợi, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

Với cơ cấu tín dụng, năm nay tín dụng cần tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên, cần phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, tài chính vi mô, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN nâng cao hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát để sớm phát hiện, hạn chế tối đa các sai phạm trong hệ thống ngân hàng. Đồng thời phát triển các ứng dụng ngân hàng hiện đại, tránh rủi ro, tiêu cực từ mặt công nghệ. NHNN cũng phải chủ động triển khai đề án hoàn thiện khung pháp lý quản lý chặt chẽ các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị có giải pháp bảo đảm cung ứng tiền, không để biến động lớn, cần có kịch bản cụ thể ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thanh toán và hệ thống ATM thông suốt.

Thủ tướng: 'Bán nhà công sản cho Vũ nhôm ở Đà Nẵng, Nhà nước được gì?'

"Tôi xin nêu ví dụ lớn nhất là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ Nhôm ở Đà Nẵng, Nhà nước được gì?", Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải chặt đứt nhóm hưởng lợi trên tài sản công.

Phó thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm của Khaisilk

Sau khi xem xét báo cáo của Bộ Công Thương về vi phạm của doanh nghiệp Khaisilk, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.


Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm