Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm làm việc tại Nhật Bản, và dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tại Mie, từ ngày 26 đến 28/5.
Trước đó, vào đầu tháng 4, hãng Kyodo dẫn nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết nước này dự định mời 6 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam, dự hội nghị cấp cao G7.
Các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương còn lại được Tokyo mời dự hội nghị G7 bao gồm Lào, Indonesia, Bangladesh, Sri Lanka và Papua New Guinea. Chad, nước đang giữ chức chủ tịch Liên minh châu Phi, là quốc gia châu Phi duy nhất cũng được mời dự sự kiện này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida thăm Việt Nam hồi đầu tháng 5/2016. Ảnh: Anh Tuấn |
Hội nghị cấp cao G7 năm nay sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 27/5 tại Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết, nội dung nghị sự sẽ là thảo luận về tình hình kinh tế biến động và ảnh hưởng của giá dầu thô sụt giảm, tình hình Ukraine.
Những cuộc họp cấp cao của G7 trước đó từng có tiền lệ mời lãnh đạo một số nước ngoài nhóm này cùng tham dự hội nghị. Như nước Đức (chủ nhà của hội nghị G7 năm 2015) từng mời đại diện các nước như Nigeria, Tunisia, Iraq và Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde dự cuộc họp, với chủ đề mối đe dọa toàn cầu của khủng bố.
Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông như xây đường băng, hệ thống radar tiên tiến và triển khai tên lửa đất đối không.
Tại cuộc họp ngoại trưởng G7 hồi ngày 7/4, ngoại trưởng các nước thành viên đã bày tỏ quan ngại về các hoạt động xây dựng và triển khai vũ khí trái phép mà Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông; cũng như quan ngại về tình hình ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản đang có tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.