Chiều 7/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Hội nghị nhằm tổng kết tình hình tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ năm 2012 đến nay và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
Sau khi nghe báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, lãnh đạo các bộ và các tỉnh, thành đã báo cáo làm rõ thêm, nhất là về các vụ việc phức tạp trên địa bàn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các bộ ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, rất cố gắng trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tính đến 15/8, các cơ quan hành chính Nhà nước đã xem xét, giải quyết 522 vụ trong tổng số 528 vụ việc theo kế hoạch. Có 392 vụ đủ điều kiện ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, ban hành 209 thông báo chấm dứt khiếu nại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng đã nêu rõ những nguyên nhân dẫn tới khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, kéo dài. Trong số đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai thì khoảng 70% là khiếu nại hành chính về đất đai, trong đó 40% liên quan tới thu hồi đất, tái định cư.
Thủ tướng cho rằng cần nhận diện đây là mấu chốt để giải quyết và nhắc tới những vấn đề xảy ra ở một số nơi như giá đền bù chưa hợp lý, trình tự thu hồi đất không minh bạch, rõ ràng, bố trí nơi tái định cư điều kiện sinh hoạt khó khăn. Trong quy hoạch đô thị thì việc lấy ý kiến người dân, công khai quy hoạch còn hình thức, tình trạng quy hoạch treo khiến người dân không có đất sản xuất.
"Nhiều chủ tịch xã, huyện và cả tỉnh chưa bao giờ tiếp dân, như vậy có đúng quy định không, trong khi người dân tin tưởng mình như vậy? Nói phải, củ cải cũng nghe", Thủ tướng nói.
Tiếp dân phải đón nhận cả tâm tư, nguyện vọng
Theo Thủ tướng, vẫn còn những trường hợp chưa thực sự quan tâm tới quyền lợi chính đáng của người dân, giải quyết chậm, kéo dài, người dân phải chờ đợi lâu, thậm chí giải quyết sai sót, khiến người dân bức xúc và khiếu kiện vượt cấp.
"Chủ tịch huyện, xã, tỉnh phải biết trên địa bàn có bao nhiêu trường hợp bức xúc, để lâu quá thì họ khiếu kiện vượt cấp", người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn.
Trong một số trường hợp, người đứng đầu địa phương, đơn vị còn chưa coi trọng đúng mức công tác tiếp công dân, chưa công khai lịch tiếp dân, ngại đối thoại với dân.
Đoàn cán bộ Thanh tra Chính phủ tham dự hội nghị. Ảnh: VGP. |
Bên cạnh đó, một số địa phương viện nhiều lý do khác nhau, như dựa vào việc hết thời hiệu để không xem xét giải quyết mặc dù công dân đã cung cấp thêm thông tin chứng minh rằng việc khiếu nại, tố cáo là có cơ sở.
"Lúc tôi còn làm Phó thủ tướng, khi giải phóng mặt bằng các dự án mở rộng quốc lộ 1, tôi hỏi thì người dân nói họ ở đây 40 năm nhưng cán bộ đòi giấy tờ. Người ta ở đây 40 năm thì còn cần giấy tờ gì, phải quyết cho họ chứ”, Thủ tướng kể lại câu chuyện của mình và nhấn mạnh: "Nếu giải quyết có tình, có lý cho dân, không tham ô tham nhũng thì không ai kỷ luật các đồng chí".
Từ đó, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Cả hệ thống tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo phải đặt mình vào cương vị người dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết có lý, có tình, hướng dẫn người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, báo cáo đầy đủ với cấp trên.
"Cán bộ tiếp dân không phải là nơi chỉ tiếp nhận đơn, mà phải tiếp nhận cả những phản ánh tâm tư, nguyện vọng của dân", Thủ tướng lưu ý.