Sáng nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng. Theo đó, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016, là ứng viên duy nhất cho chức vụ Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021.
Sau khi nghe tờ trình, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Thủ tướng. Chiều cùng ngày, Quốc hội bỏ phiếu phiếu kín. Kết quả được công bố ngay sau đó.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Như Ngọc. |
Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 62 tuổi, quê Quảng Nam; là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 10, 11, 12; Ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, khóa 12; Đại biểu quốc hội khóa XI, khóa XIII và khóa XIV.
Ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Phó tổng Thanh tra Chính phủ; Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Phó bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ; Phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân
Vào sáng 7/4, tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, với 90% đại biểu, tán thành ông Nguyễn Xuân Phúc đã thay thế ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.
Trong bài phát biểu đầu tiên dài khoảng 3 phút trên cương vị mới, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ nỗ lực hết mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh.
"Chính phủ và Thủ tướng sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào, cử tri cả nước, khắc phục hạn chế, yếu kém...; nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn cho người dân", bài phát biểu có đoạn.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |