Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các địa phương ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quán triệt nhiệm vụ thực hiện thành công mục tiêu đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới.
Ông cũng nhấn mạnh chủng virus mới nguy hiểm hơn đã xuất hiện, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực, không trừ tỉnh nào, đơn vị nào, công dân nào. Nếu lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể bùng phát.
Đưa chính sách phục hồi du lịch, hàng không
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những doanh nghiệp khó khăn, người dân bị thiệt hại tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới.
“Một bộ phận người dân, doanh nghiệp, nhất là vận tải, dịch vụ, du lịch rất khó khăn. Chúng ta không thể chỉ thấy thành tích, mà phải thấy những bất cập như một bộ phận người dân đang thiếu việc làm”, Thủ tướng nhắc nhở. Ông yêu cầu tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ bổ sung, đưa chính sách phù hợp, phục hồi những ngành bị ảnh hưởng, đặc biệt là du lịch và hàng không.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu từng bước mở lại đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có kiểm soát. Ảnh: VGP. |
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu chủ động xây dựng phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân; xem xét tiếp cận nguồn khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn và tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất năm 2022.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, nhất là tại đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu. Phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình nhập cảnh trái phép, duy trì chấp hành nghiêm kỷ luật quy định khi thực hiện nhiệm vụ.
Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn dân cư, chấp hành nghiêm khai báo lưu trú, tạm trú, nhất là khai báo y tế.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.
5 bài học quý
Theo người đứng đầu Chính phủ, “cuộc chiến” này chưa kết thúc và chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh đó, không được chủ quan trước dịch bệnh khi xuất hiện nhiều biến thể mới mà nhiều nước hiện nay, kể cả nước châu Á và các nước ASEAN đang gặp phải.
Để vận dụng không chỉ trong công tác chỉ đạo chống dịch mà còn trong các nhiệm vụ khác, Thủ tướng đề cập 5 bài học.
Cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng 17/3. Ảnh: VGP. |
Thứ nhất là sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của hệ thống chính trị, trong đó nổi bật là sự mẫn cán, trách nhiệm, tận tụy quên mình để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ ngành y tế, các lực lượng vũ trang.
Thứ hai, quan điểm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là quan trọng hàng đầu đã tạo tiền đề cho mọi nỗ lực, đồng thuận và huy động nguồn lực xã hội.
Thứ ba là xây dựng, vun đắp một tinh thần tự cường, tự chủ, nỗ lực vượt khó, đoàn kết một lòng trong phát triển ở tất cả các cấp, các ngành, các chủ thể trong xã hội; phát huy mạnh mẽ vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thứ tư, Việt Nam là một đất nước dân chủ, việc công khai, minh bạch trong phòng, chống dịch bệnh, vai trò của công tác truyền thông trong cung cấp thông tin và tạo đồng thuận xã hội để người dân biết, kiểm tra, trao đổi, giám sát rất quan trọng.
Thứ năm là chú trọng vai trò hợp tác quốc tế, chủ động đưa ra các sáng kiến, tham gia có trách nhiệm vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu, sẽ nâng uy tín và vị thế của Việt Nam.
5 trường hợp phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca
Quy mô tiêm chủng vaccine Covid-19 rất lớn nên một số ý kiến nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tiêm an toàn.
Đề cập vấn đề phản ứng sau tiêm vaccine AstraZeneca, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin đến cuối giờ chiều 16/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng cho tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin về 5 trường hợp phản ứng nặng sau khi tiềm vaccine. Ảnh: VGP. |
Trong đó, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khoẻ.
Theo ông Long, Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả cơ sở y tế tiêm vaccine Covid-19 phải vừa tiêm, vừa theo dõi đánh giá một cách cẩn trọng và an toàn. Trên báo cáo, có 16 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vaccine, tuy nhiên, Hội đồng Tiêm chủng đã đánh giá lại và xác định chỉ có 5 trường hợp phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3.
"Trường hợp độ 3 này là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới", ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi.
"Đến nay, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho cán bộ y tế, đồng thời tổ chức điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn”, Bộ trưởng Y tế nói và cho biết tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vaccine Covid-19.
"Visa vaccine" là cơ hội của du lịch Việt Nam
TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) từng khuyến nghị "việc mở cửa cho khách du lịch có chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19 là cần thiết để nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam". Theo ông Nam, hộ chiếu vaccine có thể là tiền đề để Việt Nam đuổi kịp đối thủ. Tuy nhiên, việc đưa tấm hộ chiếu này vào thực tiễn còn khá nhiều trở ngại, đặc biệt là về cơ sở pháp lý và công nghệ.
Vào đầu tháng 3, Thủ tướng đã có chỉ đạo giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các hướng dẫn tạo điều kiện cho những người đã được tiêm vaccine ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam bảo đảm an toàn.
Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 hôm 12/3, Ban Chỉ đạo cũng nghe và phân tích chính sách "visa vaccine" của một số nước. Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã có những bước chuẩn bị ban đầu. Trước mắt, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng lớn sẽ tăng cường xây dựng và cố gắng hoàn thiện hệ thống giải pháp kỹ thuật trong thời gian sớm nhất, phấn đấu vào đầu tháng 4.
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo, chính sách cụ thể liên quan đến "visa vaccine" phải căn cứ vào những đánh giá tiếp theo về tính an toàn, khả năng miễn dịch của từng loại vaccine và ở từng nước, từ đó có cơ chế phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ mục tiêu kép nhưng phải đảm bảo an toàn.