Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng Nga cảnh báo đổ máu tại Ukraina

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng lãnh đạo lâm thời của Ukraina đã tiếm quyền bất hợp pháp nên chế độ của họ có thể kết thúc bằng sự đổ máu.

Thủ tướng Medvedev hôm 3/3 khẳng định, ông Viktor Yanukovych vẫn là nguyên thủ quốc gia Ukraina theo hiến pháp và nếu ông ấy có tội với Ukraina, "hãy tiến hành thủ tục tố tụng và xét xử ông ta".

"Việc lật đổ, thành lập chính phủ mới đều là bất hợp pháp. Điều này có nghĩa những trật tự đó bất ổn. Nó sẽ kết thúc bằng một cuộc cách mạng, một cuộc đổ máu mới”, ông Medvedev nhấn mạnh.

Tờ News dẫn nguồn báo chí Ukraina cho hay, lựu đạn và vũ khí hạng nhẹ đã được sử dụng trong cuộc đụng độ tại căn cứ quân sự ở Belbek thuộc bán đảo Crimea. 

Theo nguồn tin này, một sĩ quan Ukraina bị thương và các binh lính “không phải của Ukraina” đã chiếm được căn cứ này. Ngoài ra, một trung tâm viễn thông ở Dzhankoi cũng bị chiếm.

 

Trong khi đó, BBC đưa tin nhiều tiếng nổ lớn phát ra từ Symferopol, thủ phủ Crimea, nhưng chưa rõ nguyên nhân.

Xe quân sự bên ngoài căn cứ ở Belbek. Ảnh: AFP.

Hãng tin Pháp AFP ngày 3/3 dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã điện đàm và đạt được sự đồng thuận về vấn đề Ukraina.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers ngày 2/3 chỉ trích phản ứng của Mỹ về hành động của Nga tại Crimea và cho rằng Tổng thống Barack Obama đã bị người đồng cấp Nga Vladimir Putin “qua mặt”.

Tuy nhiên, ông Rogers phản đối việc điều lực lượng hải quân Mỹ đến khu vực Crimea. “Gửi quân đến khu vực Biển Đen không phải là một ý tưởng tốt lúc này”, ông Rogers nói.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin cũng cho rằng, Nga không muốn có chiến tranh với Ukraina còn việc Thượng viện phê chuẩn can thiệp quân sự chỉ nhằm chứng tỏ sự nghiêm túc trong ý định của Kremlin.

Valentina Matviyenko, chủ tịch Thượng viện Nga, cơ quan đã chấp thuận cho Tổng thống Putin sử dụng hành động quân sự, cũng bác bỏ ý tưởng chiến tranh.

"Vladimir chưa bao giờ nhắc đến từ đó. Điều này là không thể chấp nhận được. Sẽ không bao giờ có chiến tranh giữa 2 nước chúng ta. Chúng ta là anh em", bà Valentina Matviyenko nhấn mạnh.

Cùng ngày, nhà lãnh đạo khu tự trị Crimea thành lập lực lượng hải quân Crimea và bổ nhiệm ông Denis Berezovsky, người vừa từ bỏ chính phủ lâm thời Ukraina, làm tư lệnh.

Ông Sergey Aksyonov nói: “Crimea sẽ có lực lượng hải quân riêng do Chuẩn đô đốc Berezovsky chỉ huy. Hôm nay sẽ là ngày thành lập hải quân”.

Ông Aksyonov ra lệnh cho tất cả lực lượng hải quân ở Sevastopol không tuân theo lệnh từ chính phủ lâm thời tự xưng ở Ukraina mà chỉ tuân theo sự chỉ đạo của ông, RT đưa tin.

 

3.000 binh sĩ thề trung thành với người dân Crimea sẽ vẫn giữ cấp bậc và vị trí trong quân đội và hưởng những phúc lợi về sức khỏe và xã hội. Đồng thời lãnh đạo Crimea nhấn mạnh, đối với những người không muốn gia nhập hải quân Crimea, họ có quyền nghỉ hưu và sẽ không bị truy tố.

Tổng thống tạm quyền Ukraina bổ nhiệm ông Berezovsky là người đứng đầu hải quân Ukraina hôm 28/2. Tuy nhiên, Hội đồng an ninh quốc gia Ukraina đã khởi tố tội phản quốc đối với ông Berezovsky sau khi ông này giao nộp căn cứ ở cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea và tuyên bố trung thành với giới lãnh đạo thân Nga ở Crimea.

Chỉ huy mới của Hải quân Ukraina đào ngũ

Denis Berezovsky, người nhậm chức Tư lệnh Hải quân Ukraina hôm 1/3, tuyên bố ông sẽ trung thành với chính quyền Crimea. Sau đó chính phủ lâm thời Ukraina cách chức ông.

Một số quan chức an ninh và quân sự cao cấp Ukraina ở Crimea vừa thề trung thành với chính quyền của bán đảo tự trị Crimea. Các nhân vật này gồm Petyor Zima - người đứng đầu cơ quan an ninh, Sergey Abisov - giám đốc cơ quan nội vụ, Sergei Shakhov – lãnh đạo cơ quan tình huống khẩn cấp và Victor Melnichenko – chỉ huy lực lượng biên phòng.

Lễ tuyên thệ diễn ra tại văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Các quan chức chính quyền địa phương, thị trưởng các thành phố và khu vực ở Crimea chứng kiến lễ tuyên thệ.

Hàng ngàn người dân diễu hành ủng hộ Nga can thiệp quân sự ở Ukraina tại trung tâm Moscow. Ảnh: Sina

Cùng lúc đó, ít nhất 10.000 người cầm cờ Nga diễu hành ở trung tâm Moscow để ủng hộ việc Nga sử dụng sức mạnh quân sự tại Ukraina. Một số người mặc quân phục từ thời Liên Xô cũ và hô các khẩu hiệu phản đối chủ nghĩa phát xít. 

Hàng chục người khác cũng tham gia một cuộc biểu tình phản đối Nga can thiệp quân sự gần quảng trường Đỏ.

Một số người ủng hộ mặc quân phục thời Liên Xô cũ. Ảnh: Sina

Kể từ khi quốc hội Nga bật đèn xanh cho Tổng thống Putin sử dụng quân đội ở Ukraina ngày 1/3, các nhà lãnh đạo Nga phớt lờ lời kêu gọi của phương Tây về việc rút quân. Giới chức Nga nhấn mạnh họ có quyền bảo vệ lợi ích của họ và những người nói tiếng Nga ở khu vực Biển Đen, bán đảo Crimea và các khu vực khác tại Ukraina.

Nga bài binh bố trận xung quanh bán đảo tự trị Crimea

Nhiều nguồn tin cho rằng, ngoài quân số trực chiến của hạm đội Biển Đen, Nga còn cử thêm nhiều binh sĩ và khí tài quân sự tới khu tự trị Crimea của Ukraina.

 

Kể từ sau tuyên bố can thiệp quân sự ở nước láng giềng, các hãng truyền thông nhà nước liên tục đưa tin về cuộc khủng hoảng ở Ukraina. Tờ Russia Today vừa tuyên bố, khoảng 675.000 trong số 46 triệu người Ukraina đã chạy qua biên giới đến Nga. Trong khi đó, kênh truyền hình Russia One chiếu hình ảnh những hàng dài ô tô xếp hàng để chờ qua biên giới vào Nga.

Tại Kharkov, miền đông Ukraina, khoảng 20.000 người ủng hộ Nga gây ra cảnh hỗn loạn khi cố gắng xông vào các tòa nhà chính quyền địa phương. Ảnh: Chinanews

Nhiều người Nga lâu nay tin rằng, Moscow nên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với miền đông và nam Ukraina. Một cuộc khảo sát của trung tâm Levada độc lập công bố ngày 26/2 cho thấy, 43% người Nga xem các cuộc biểu tình ở Nga là một cuộc đảo chính bạo lực, trong khi 45% người tin rằng các cuộc biểu tình do chính phủ phương Tây tài trợ để giành ảnh hưởng địa chính trị trong khu vực.

Giới chức Mỹ ngày 2/3 cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới thăm Kiev vào ngày 4/3 để bày tỏ ủng hộ các nhà lãnh đạo tạm quyền mới ở quốc gia Đông Âu này sau khi lực lượng Nga kiểm soát bán đảo Crimea.

Mỹ cũng đang xúc tiến các biện pháp cô lập nền kinh tế Nga khi các cuộc hội đàm, bao gồm chuyến thăm của một phái đoàn Nga để thảo luận vấn đề năng lượng, đã bị hủy. Một sự kiện quân sự quan trọng sắp tới cũng dự kiến bị hoãn.
 
Trong khi đó, 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới – gồm Anh, Canada, Pháp, Italy, Đức, Mỹ, Nhật Bản – ra thông báo để lên án “sự vi phạm rõ ràng đối với chủ quyền của Ukraina”. Họ cũng sẽ hoãn kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh G8 tại thành phố Sochi của Nga vào tháng 6.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga ngày 2/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cáo buộc ông Vladimir Putin vi phạm luật pháp quốc tế với "hành động can thiệp không thể chấp nhận được" tại Ukraina.

Sau cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo, Phó phát ngôn viên chính phủ Đức Georg Streiter cho biết: "Thủ tướng Merkel đã kêu gọi Tổng thống Nga tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".

Theo ông Streiter, Tổng thống Putin đã chấp nhận đề xuất của bà Merkel về việc thành lập một "phái bộ tìm hiểu thực tế" giống như một nhóm liên lạc, có thể nằm dưới sự chỉ đạo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), để bắt đầu một cuộc đối thoại chính trị.

Bình An - Hải Anh

Bạn có thể quan tâm