Vùng Hawke’s Bay từ lâu nổi tiếng thế giới với những chai rượu vang hảo hạng. Nhưng lúc này, sau siêu bão Gabrielle, phần lớn diện tích các trang trại trồng nho, cũng như nhiều khu dân cư, đường giao thông của Hawke's Bay đã ngập sâu trong nước.
Dù không đổ bộ trực tiếp vào đất liền của New Zealand, siêu bão Gabrielle vẫn đủ sức gây ra sự tàn phá trên diện rộng, khiến hàng chục nghìn người mất nhà cửa, phá hủy nhiều tuyến giao thông huyết mạch, khiến hàng loạt khu vực dân cư ở vùng đông bắc New Zealand bị cô lập, theo CNN.
Nguồn gốc của thảm họa
Trong ngày 16/2, Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins đã tới thị sát các khu vực bị ngập lụt. Ông Hipkins thừa nhận mức độ tàn phá "nghiêm trọng" cho thấy New Zealand không được chuẩn bị cho những hiện tượng thời tiết cực đoan, và nước này có rất nhiều việc phải làm.
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins. Ảnh: Reuters. |
"Chúng ta đang nói tới hệ thống đường giao thông, liên lạc, hệ thống điện và năng lượng. Rõ ràng chúng ta có những thách thức lớn ở phía trước, đây là điều không cần bàn cãi", Thủ tướng Hipkins nói khi tới thăm thành phố Gisborne, theo Reuters.
"Chúng ta không thể tiếp tục sống kiểu này. Chúng ta sẽ còn chứng kiến thêm nữa những hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy. Thế nên, chúng ta cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ", nhà lãnh đạo cảnh báo.
Một tuyến đường bị phá hủy sau bão Gabrielle. Ảnh: CNN. |
Thủ tướng Hipkins không nói thẳng biến đổi khí hậu đã gây ra thảm họa vừa qua ở New Zealand. Tuy nhiên phát biểu trước Quốc hội hôm 14/2, Bộ trưởng Biến đổi khí hậu James Shaw thừa nhận mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu với bão Gabrielle.
"Tôi chưa bao giờ buồn hay tức giận đến như vậy khi nghĩ về hàng thập kỷ chúng ta đã lãng phí để tranh cãi xem liệu biến đổi khí hậu có thật hay không. Rõ ràng biến đối khí hậu đã ở đây, nếu không hành động, tình hình sẽ tồi tệ hơn", Bộ trưởng Shaw nói.
Điều khiến nhiều người New Zealand bị sốc là thảm họa bão Gabrielle diễn ra chỉ hai tuần sau trận lụt tuy ngắn ngủi nhưng dữ đội ở Auckland, thành phố lớn nhất cả nước.
Dù đang trong thời gian khô nhất năm, Auckland đã hứng chịu trận mưa xối xả gây lũ quét và sạt lở đất, qua đó biến tháng 2 năm nay trở thành tháng có lượng mưa lớn nhất trong lịch sử.
New Zealand nổi tiếng với phong cảnh đẹp, một phần bởi nước này có lượng mưa lý tưởng kéo dài quanh năm. Mưa thường đổ xuống những ngọn núi phủ đầy cây xanh, sau đó đổ về các tuyến sông, hồ.
Nhiều thành phố, thị trấn New Zealand tọa lạc bên bờ các con sông, tận dụng lợi thế nằm gần các bến cảng, những tuyến giao thương đường thủy quan trọng, tạo nên sự trù phú cho người dân trong thời gian dài.
"Một bộ phận lớn cư dân sống gần các con sông có nguy cơ lũ lụt. Từ lâu, chúng ta tin rằng có thể xây đê đủ khả năng bảo vệ người dân khỏi lũ lụt, và thường thì chúng ta thành công, cho tới khi xảy ra tình huống cực đoan", James Renwick, chuyên gia khí hậu tại Đại học Victoria, Wellington, nói.
Nguy cơ trong tương lai
Các sự kiện thời tiết cực đoan được dự báo xảy ra ngày càng thường xuyên khi nhiệt độ Trái Đất ấm lên. New Zealand nằm ở Nam Thái Bình Dương, có thể bị ảnh hưởng khi bão nhiệt đới hình thành ở Bắc Thái Bình Dương di chuyển.
Tuần qua, vùng đông bắc New Zealand trở thành nạn nhân của bão Gabrielle, hứng chịu thiệt hại lớn chưa từng có.
La Nina, hiện tượng thời tiết do nhiệt độ nước biển và không khí ấm hơn, cũng góp phần vào sức mạnh của siêu bão Gabrielle.
Sam Dean, chuyên gia Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia New Zealand, cho biết biến đổi khí hậu không nhất thiết làm tăng tần suất xảy ra bão nhiệt đới, nhưng sẽ khiến các cơn bão mạnh hơn.
Ngôi nhà bị nước lũ cô lập ở Napier sau bão Gabrielle. Ảnh: Reuters. |
"Không khí ấm hơn sẽ tích tụ nhiều hơi ẩm, nhiều năng lượng khiến các cơn bão mạnh hơn, gây ra nhiều thiệt hại hơn. Bão mạnh hơn sẽ khiến gió to hơn, lượng mưa lớn hơn", ông Dean nói.
Những cơn bão như Gabrielle có thể hình thành và di chuyển quanh bất cứ khu vực nào của New Zealand, như thế rủi ro thiệt hại có thể xảy đến với cả nước.
"Tôi không nghĩ có nơi nào ở New Zealand được an toàn trước rủi ro bão gây ra mưa cực lớn", ông Dean cảnh báo.
Mưa lớn không phải mối đe dọa duy nhất mà biến đổi khí hậu mang tới cho New Zealand. Nhiều khu vực tại nước này đã bị hạn hán trong những năm gần đây. Năm 2020, Auckland từng hạn hán nặng đến nỗi gần như cạn kiệt nước sạch. Tháng 1 vừa qua, thành phố này chịu lũ lụt kỷ lục, theo Guardian.
"Nguy cơ hạn hán sẽ không biến mất, chúng tôi dự đoán khu vực miền Bắc New Zealand, bao gồm Auckland, sẽ ngày càng khô hạn hơn", Daithi Stone, chuyên gia Viện Nghiên cứu Nước và Khí quyển Quốc gia, nói.
Các đợt sóng nhiệt cũng là một nguy cơ với New Zealand, dù rằng nước này không thường xuyên đối mặt thời tiết nóng tới mức nguy hiểm.
Với chỉ 5 triệu dân, New Zealand là nước phát thải carbon nhỏ so với phần còn lại của thế giới. Tuy vậy, Wellington theo đuổi chính sách cắt giảm carbon quyết liệt.
Năm ngoái, chính phủ New Zealand công bố kế hoạch cắt giảm phát thải đầu tiên nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2050. New Zealand cũng đưa ra kế hoạch chuyển đổi quốc gia nhằm thích ứng với các thảm họa khí hậu trong tương lai.
Các chuyên gia cho rằng bão Gabrielle sẽ càng trở thành động lực thúc đẩy các kế hoạch cắt giảm phát thải và chuyển đổi của New Zealand.
Giáo sư Renwick của Đại học Victoria cho biết một trong các giải pháp là vận động người dân rời khỏi các khu vực bờ biển, bờ sông nơi vốn có nguy cơ hứng chịu lũ lụt. Tuy vậy, người dân đã sinh sống lâu năm sẽ không muốn rời đi. Vì vậy, giáo sư Renwick tin rằng sớm có các biện pháp bảo vệ hiệu quả trước lũ lụt sẽ thực tế hơn.
"Xây dựng tường ngăn biển, đắp đê, be bờ, xây nhà ở độ cao lớn hơn, sẽ là giải pháp", ông Renwick nói.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.