Sáng 28/3, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Theo người đứng đầu Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2020, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực.
Khát vọng không chỉ ở Hà Nội mà phải được lan tỏa
Thủ tướng cho biết nhiệm kỳ qua, tốc độ bình quân tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức độ khá cao, bình quân 10 năm 2011-2020 đạt 5,95%/năm.
"Năm 2020 dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề, tăng trưởng vẫn đạt 2,91% - là điểm sáng trên toàn cầu trong thực hiện thành công mục tiêu kép”, người đứng đầu Chính phủ thông tin. Bên cạnh đó, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển được đẩy mạnh, đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng nhanh và chất lượng, hiệu quả được cải thiện.
Đề cập đến vấn đề quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, Thủ tướng ghi nhận hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khát vọng vươn lên của cả dân tộc, đất nước. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Cải cách hành chính, cải cách tư pháp trên một số lĩnh vực có bước đột phá; tích cực xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng lãng phí được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả.
Theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng đã chỉ đạo xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý nhiều vụ việc tham nhũng lớn, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương.
Song bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng đánh giá nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức; phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực.
Đặc biệt, chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.
"Tôi đã đi nhiều vùng núi đồng bào dân tộc, trong đó có quê hương của đồng chí Hầu A Lềnh (Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), thấy đời sống người dân còn nhiều khó khăn lắm. Của cải vật chất làm ra trong 10 năm có khi chỉ trận bão lũ là đi hết. Trong khi hỗ trợ của Nhà nước cũng ở mức độ nên cần quan tâm đến đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để ai bị bỏ lại phía sau, đói cơm, lạt muối”, Thủ tướng chia sẻ.
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng cho rằng cần nâng cao chất lượng thể chế, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến khát vọng vươn lên của cả dân tộc, đất nước. “Khát vọng không chỉ ở Hà Nội, tức là chỉ lãnh đạo, mà khát vọng đó phải được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền, người dân”, Thủ tướng lưu ý.
"Chúng ta phải đi trước đón đầu"
Theo người đứng đầu Chính phủ, cán bộ đảng viên ta đều có nguyện vọng đưa đất nước tiến bước, không chịu tụt hậu, đói nghèo và thua kém. Đây là truyền thống quý báu.
Điều đó cũng là sự hiện thực hóa ước nguyện của Bác, đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu và mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Chiến lược xác định 11 chỉ tiêu, trong đó có 7 chỉ tiêu kinh tế, 4 chỉ tiêu môi trường. Áp lực đối với chúng ta là liên tục tăng trưởng cao.
Một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc có 2-3 thập niên liền liên tục tăng trưởng cao. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao, nếu không có biện pháp thì sẽ tụt hậu, không phát triển bền vững, nghèo, thu nhập thấp, lạc hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta phải đi trước đón đầu, quyết tâm chính trị cao, ý chí dân tộc và khát vọng phát triển trong mọi người dân, cơ sở trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu. Cho nên, tăng trưởng cao liên tục trong mấy thập kỷ là điều cần thiết.
Năm nay, chúng ta phấn đấu 6-6,5%, sang năm có thể 7%, nhưng sắp tới phải 8-9% bình quân.
5 bài học kinh nghiệm
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước sự tham dự của các cán bộ đảng viên ở các điểm cầu học tập trên toàn quốc, Thủ tướng đề nghị: “Chính quyền các cấp phải lo cho người dân trong xóa đói giảm nghèo, không được thấy khó khăn là bàn lùi. Có cụ bà hơn 80 tuổi, đạp xe nhiều cây số để xin đưa ra hỏi hộ nghèo, đó là tinh thần thoát nghèo vươn lên, phải có tinh thần khát vọng dân tộc vươn lên”, người đứng đầu Chính phủ lưu ý.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Ảnh: Đ.X. |
Đặc biệt, Thủ tướng quán triệt không để xảy ra tham nhũng trong vấn đề đất đai rồi mất cán bộ hay gây thất thoát, lãng phí. "Thất thoát đất đai của chúng ta sau 35 năm đổi mới và nhất là trong 10 năm trở lại đây còn rất lớn. Phân cấp quản lý, liên kết vùng còn hạn chế”, người đứng đầu Chính phủ nhận định.
Từ những bất cập đã nêu, Thủ tướng nêu rõ 5 bài học kinh nghiệm. Trước hết, đảm đảm mối tương quan hợp lý, hài hòa giữa tăng trưởng và ổn định, kiên trì ổn định vĩ mô, khắc phục nguy cơ tụt hậu, giải quyết các mối quan hệ trọng tâm về kinh tế.
Bài học kinh nghiệm thứ hai là thực sự coi trọng phát triển văn hóa, xã hội và con người tương xứng với phát triển kinh tế. Coi giáo dục đào tạo khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ yếu. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển.
Thứ ba là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt. Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân.
Thứ tư là thực hiện tốt công tác dự báo, đánh giá và nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình thế giới, khu vực, để có những quyết sách, hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp.
Thứ năm là giữ vững ổn định chính trị, an ninh, bảm đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và nền kinh tế tự chủ, có khả năng thích ứng và chống chịu cao.
Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng), Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và xác định cả tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Trong 5 năm tới (2021-2025), Việt Nam xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân đạt khoảng 6,5-7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700-5.000 USD.
Ba đột phá chiến lược được đặt ra là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại.