“Tôi ủng hộ quyết định an tử Freya. Đó là một quyết định đúng đắn. Tôi không ngạc nhiên khi điều này đã dẫn đến nhiều phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Đôi khi, chúng tôi phải đưa ra những quyết định không được lòng dân”, ông Jonas Gahr Støre nói với đài truyền hình NRK hôm 15/8.
Trước đó, người đứng đầu Tổng cục Thủy sản Na Uy Frank Bakke-Jensen cũng khẳng định "quyết định an tử được đưa ra trên cơ sở đánh giá toàn cầu về mối đe dọa lâu dài đối với sự an toàn của con người”, theo Guardian.
Cơ quan này kết luận rằng "khả năng gây hại cho con người là cao và quyền lợi động vật không được duy trì".
“Chúng tôi rất coi trọng quyền lợi động vật, nhưng tính mạng và sự an toàn của con người phải được ưu tiên”, Frank Bakke-Jensen, lãnh đạo tổng cục, cho biết.
Freya đã trở thành "thỏi nam châm" thu hút sự chú ý của đám đông ở Na Uy. Ảnh: AP. |
Trong khi đó, những người phản đối quyết định an tử Freya cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để tránh bước đi này.
Chẳng hạn, Siri Martinsen, thuộc nhóm bảo vệ quyền động vật NOAH, cho biết những người xem lẽ ra nên bị phạt trước, và nhà sinh vật học Rune Aae cho biết “buồn tột độ” khi một con vật đã bị an tử “đơn giản vì chúng tôi đã không cư xử đúng mực với nó”.
Tuy nhiên, nhà động vật học Per Espen Fjeld hôm 15/8 nhận định việc Freya bị an tử là quyết định hoàn toàn chính đáng và không có hậu quả gì đối với tương lai của loài này.
“Các vị không thể mong đợi 1,6 triệu người sẽ không bơi ở vịnh Oslo”, ông nói, đồng thời nêu ra mối đe dọa với con người khi Freya xuất hiện gần chỗ họ đang bơi.
Theo các báo cáo, nhiều người dân đã bơi cùng con hải mã này và vây quanh nó. Cảnh sát từng phải sơ tán và phong tỏa một khu vực tắm biển sau khi Freya đuổi theo một phụ nữ.
Freya, với biệt danh được đặt theo nữ thần sắc đẹp và tình yêu Bắc Âu, đã trở thành “thỏi nam châm” thu hút sự quan tâm của đám đông từ ngày 17/7 khi lần đầu tiên xuất hiện ở vùng biển thủ đô Na Uy.