Ngày 12/1, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Quốc hội làm việc với Đảng bộ và chính quyền TP.HCM về kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và Kết luận 21-KL/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020.
Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
"Trên dưới một lòng" cùng nhau hỗ trợ thành phố
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thành phố đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2018, đạt các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng kinh tế đạt 8,3%, thu ngân sách ở mức cao…
Thành phố đông dân nhất cả nước này đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm được tập trung xử lý, giải quyết đạt kết quả đáng mừng. Triển khai một số biện pháp sáng tạo, giải pháp đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Thuận Thắng |
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong quá trình thực hiện biện pháp của Trung ương, của Quốc hội thì có nhiều vấn đề cơ chế, chính sách chưa được làm rõ, gây khó khăn cho thành phố.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các cơ quan Trung ương cùng thảo luận, giải quyết các kiến nghị của thành phố với tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho thành phố đóng góp tới gần 30% ngân sách nhà nước này. TP.HCM phát triển không chỉ so sánh khu vực Đông Nam Á mà còn hướng tới khu vực châu Á như Hong Kong, Singapore.
"Trong tương lai, chúng ta phải hướng đến những tốt đẹp ấy, cùng nhau hợp tác hỗ trợ phát triển thành phố, hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Muốn như vậy, cần 'trên dưới một lòng', cùng nhau hỗ trợ thành phố", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế
Tại hội nghị này UBND TP.HCM cũng đưa ra báo cáo về tình hình kinh tế xã hội trong năm qua. Theo đó, trong năm qua hầu hết số ngành đều tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm (GRDP) đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, ước tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 8,25%).
Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển theo chiều sâu, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 22,9%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%.
Khách du lịch quốc tế đến thành phố đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,3% (chiếm 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 35% so GRDP. Cấp phép thành lập mới hơn 44.000 doanh nghiệp (chiếm hơn 33% cả nước).
Vị trí đầu tàu kinh tế của thành phố được giữ vững và có bước phát triển. Tỷ trọng quy mô kinh tế thành phố so với cả nước năm 2018 là 23,97%, cao hơn năm 2017 và 2016 (23,4%).
Năng suất lao động đạt 293 triệu đồng/lao động, gấp 2,92 lần năng suất lao động bình quân cả nước (100,3 triệu đồng/lao động), cao hơn bình quân giai đoạn 2011 -2015 (gấp 2,88 lần).
Thu ngân sách vượt dự toán được giao, đạt 378.543 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán, tăng 8,65% so cùng kỳ, chiếm 27,8% cả nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 đạt hơn 7,3 tỷ USD, tổng cộng 3 năm 2016 - 2018 là hơn 17 tỷ USD, đứng đầu cả nước.