Nêu lý do triệu tập cuộc họp, Thủ tướng bày tỏ mấy hôm nay, tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân, khiến người dân không yên tâm, “đưa con đi học mà cũng mất mấy tiếng đồng hồ”.
“Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp nào thì không có trách nhiệm với nhân dân”, Thủ tướng nói.
Theo báo cáo của Hà Nội tại cuộc làm việc, trong năm 2016, thành phố đã giải quyết được 20/44 điểm ùn tắc. Tuy nhiên, hiện có 4 điểm cũ phát sinh trở lại và 13 điểm mới tăng thêm. Tổng số điểm ùn tắc giao thông lúc này là 41.
Nguyên nhân cơ bản được Hà Nội xác định là sự phát triển mất cân đối giữa phương tiện giao thông cá nhân và kết cấu hạ tầng giao thông.
Bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, tăng cường vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, theo Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thời gian qua, thành phố tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông như tập trung hoàn thiện khép kín tuyến vành đai 1, vành đai 2 và các trục hướng tâm, hoàn thành dứt điểm các tuyến đường sắt đô thị số 2A, 3, tập trung triển khai sớm 6 tuyến đường sắt đô thị còn lại…
Cùng nhận định với Hà Nội, ý kiến phát biểu của các bộ, ngành chỉ ra một số nguyên nhân chính gây ùn tắc ở Hà Nội là tập trung quá đông dân cư, nhất là khu vực nội thành với mật độ dân số cao thuộc diện hàng đầu thế giới. Riêng 4 quận nội thành có hơn một triệu người.
Ôtô mất làn, xe máy mất lối là điển hình của sự thiếu văn minh giao thông Việt Nam mà ít nơi nào trên thế giới mắc phải. Tại các quốc gia phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông đều có ở các thành phố lớn nhưng không bị rối loạn và để lại những hình ảnh xấu xí trong mắt khách du lịch quốc tế như ở Hà Nội. Ảnh: Lê Hiếu.
|
Việc bố trí, phân bổ không gian chưa hợp lý, quỹ đất dành cho giao thông thấp; phát triển phương tiện cá nhân nhanh hơn phát triển hạ tầng. Các đại biểu góp ý cần hoàn thiện thể chế để kiểm soát hiệu quả sự phát triển đô thị, rà soát điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến giao thông như quy hoạch bệnh viện, trường học, cơ quan... trước mắt rà soát ngay các chung cư cao tầng ở nội đô; phát triển các loại hình giao thông như giao thông ngầm, trên cao.
Nhìn nhận sự quyết liệt của Hà Nội thời gian qua trong việc đầu tư chống ùn tắc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, các biện pháp tích cực đến đâu cũng khó vì gia tăng dân số. Bên cạnh đó, trong vòng 5 năm tới, ùn tắc giao thông sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp đối với phương tiện cá nhân, đặc biệt là ôtô khi mà ôtô chiếm đất gấp 3-4 lần xe máy nhưng nhiều xe chỉ chở người bằng xe máy.
Theo Phó thủ tướng, Hà Nội cần tổ chức lại giao thông một cách hợp lý, cần có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng. Có các giải pháp chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành nhưng thay thế vào đó không phải làm nhà cao tầng mà dành cho dịch vụ công cộng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Hà Nội cùng sự phối hợp của các cấp, các ngành về chống ùn tắc giao thông nhưng “do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, cơ chế chính sách, nên số điểm ùn tắc không chỉ giảm đi mà còn tăng hơn”. Có nhiều điểm ùn tắc kéo dài nhiều giờ, gây bức xúc cho xã hội và người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển Thủ đô bền vững. “Yêu cầu đặt ra là có lộ trình giải quyết kiên quyết hơn, có hiệu quả hơn. Không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của Hà Nội”. Thủ tướng cho biết từ kinh nghiệm của Hà Nội, Thủ tướng sẽ làm việc với TP.HCM để giải quyết tình trạng này.
Ảnh: VGP. |
Nhất trí với các giải pháp mà đại biểu nêu tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý “cần quản lý tốt quy hoạch của Hà Nội trên một số phương diện mà chúng ta làm được, ví dụ như chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra” vì “tập trung mật độ cao quá ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc”.
Bên cạnh đó, phải có biện pháp cần thiết hạn chế phương tiện cá nhân theo đúng quy định pháp luật kết hợp với tuyên truyền, vận động người dân cũng như phát triển các loại hình giao thông ngầm, trên cao với tinh thần giảm mật độ phương tiện trên mặt đường. Quản lý chặt chẽ quy hoạch hệ thống hạ tầng, bảo đảm không chồng chéo, mâu thuẫn.
“Phải có chương trình tổng thể nhiều năm nhưng trước mắt trong 5 năm tới, phải cơ bản hạn chế, chống ùn tắc bằng các biện pháp hết sức cụ thể và tập trung”, Thủ tướng nhấn mạnh và đồng tình, khuyến khích Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô. Trong đó, cần ưu tiên huy động nguồn lực trong nước, để không làm tăng nợ công. Thủ tướng gợi ý, nguồn lực này có thể huy động theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).
Đi liền với đó, cơ chế nào phân cấp được cho Hà Nội để thành phố quản lý, chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước Thủ tướng thì các cơ quan Trung ương tạo mọi điều kiện cho Hà Nội.
Không để người dân “mất tết” vì phương tiện giao thông
Thủ tướng cũng nhắc nhở Hà Nội quan tâm triển khai các biện pháp chống ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán này, nhất là không để tình hình giao thông phức tạp trong nội đô.
Theo đó, Hà Nội phối hợp với các cấp, các ngành dẹp bỏ tình trạng xe dù, bến lậu, quản lý thật nghiêm nhất là trong những ngày cao điểm người dân về nghỉ Tết và trong những ngày người dân quay trở lại.
Hà Nội cần thành lập tổ công tác, do một phó chủ tịch UBND làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về vấn đề giao thông, trật tự đô thị trên tinh thần “không để một người dân nào vì phương tiện giao thông mà không được về quê ăn Tết”.
Các tỉnh lân cận Hà Nội, nhất là các tỉnh có giao thông huyết mạch ra vào thành phố, tăng cường chỉ đạo phân luồng xe ra vào chống ùn tắc tại các cửa ngõ thành phố.
Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại ngay tính hiệu quả của xe buýt nhanh để có lịch trình hoạt động hợp lý nhất.
Trước đề nghị này của Thủ tướng, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung báo cáo nhanh, đến hôm qua, 15/1, tuyến xe bus nhanh (BRT) đã vận chuyển 14.800 khách, đạt 53% theo công suất, số đúng giờ đạt 96,2%. Nếu làm tốt, theo ông Nguyễn Đức Chung, tỷ lệ này còn tăng lên nữa. Công suất 100% là 29.000 khách/ngày.