Trước khi cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được tổ chức, các chuyên gia và những người dân có trách nhiệm từng đưa ra những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, việc hiến kế đã trở nên sôi nổi hơn lúc nào hết, như một lẽ tất yếu, mạng xã hội là nơi để nhiều người đưa ra các ý tưởng của mình.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã đưa ra giải pháp mang tính tổng thể.
Ngay lập tức, ý tưởng của ông “vua chứng khoán” đã thu hút nhiều người tham gia tranh luận. Trong số đó, nổi lên là tranh luận giữa ông Hưng và TS. Lương Hoài Nam, một người thường xuyên có những bài viết về các vấn đề nóng của xã hội như giáo dục, giao thông công cộng…
Mở đầu bài viết của mình, ông Hưng cho rằng để giải quyết tắc đường, phải trả lời câu hỏi tại sao tắc đường? Tắc đường phát sinh do số người tham gia giao thông vào một thời điểm vượt quá khả năng đáp ứng của diện tích giao thông, do đó, để hết tắc đường phải tìm cách giảm mật độ giao thông tại mỗi thời điểm.
Tình trạng tắc đường tại Hà Nội ngày càng nghiêm trọng. |
Ông Hưng chia sẻ nếu không có giải pháp tăng diện tích đường giao thông nội đô, mọi phương án đã và đang được thực hiện như thay đổi giờ làm, hạn chế phương tiện cá nhân, khuyến khích tham gia giao thông bằng phương tiện giao thông công cộng… cũng không giải quyết được.
Một trong các giải pháp khả thi là xây dựng thành phố mới theo một quy hoạch tổng thể, học tập một mô hình đã có sẵn ở nước ngoài (có thể là Singapore) cách thủ đô trong vòng 100 km để giãn dân và các cơ quan. Từ đó, giảm tải cho thành phố vốn chỉ đáp ứng được tối đa 30% dân số hiện nay mới mong giải quyết vấn nạn tắc đường.
“Tắc đường Hà Nội là vấn đề của mật độ dân cư, tỷ lệ diện tích giao thông, nhu cầu giao thông thiết yếu do hạ tầng đô thị như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại và trụ sở làm việc, chứ chọn phương tiện giao thông hay giải pháp giao thông chỉ là nguyên nhân không cơ bản.
Cách duy nhất là giãn dân, giãn cơ quan để giảm mật độ dân cư, qua đó giảm tải giao thông trên diện tích giao thông mới là giải pháp”, ông Hưng nói.
Tham gia tranh luận về đề tài này, TS. Lương Hoài Nam cho rằng tắc đường ở Hà Nội hay TP.HCM là do “cấu trúc phương tiện giao thông” nhiều hơn là vì thiếu đường. Nếu không thay đổi cấu trúc phương tiện trên đường, có mở rộng đường, làm thêm đường mấy cũng không đủ, đồng thời phải quy hoạch lại giao thông nội đô một cách tổng thể.
Để làm được việc này, ông Hưng bảo vệ quan điểm cho rằng nên xây dựng một “thành phố khác” cách nội thành khoảng 50 km để giãn dân trước, như thế sẽ giảm được tiền đền bù, sau đó sẽ quy hoạch cải tạo thành phố hiện nay.
“Phải cả một thành phố ở cách xa hơn để chuyển dân sang đấy sống, sinh hoạt, làm việc thì mới được, chứ thành phố vệ tinh chỉ giải quyết được chỗ ở thì không ăn thua".
TS. Nam cho rằng bắt buộc phải quy hoạch lại cả đô thị và giao thông đô thị, không quy hoạch lại sẽ không giải quyết tận gốc, nhưng vấn đề là quy hoạch lại như thế nào.
Malaysia cũng xây khu hành chính mới ở Putrajaya, vẫn thuộc Kuala Lumpur, cách trung tâm 30 km. Thủ đô của họ vẫn là Kuala Lumpur chứ không dời đi đâu, cái đó gọi là "điều chỉnh quy hoạch".
Nhận xét về cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông do Sở GTVT Hà Nội phát động, ông Lương Hoài Nam nói: “Chúng ta vẫn thường phàn nàn có ít cơ hội để người dân nêu ý kiến, kiến nghị với chính quyền, phản biện chính sách".
"Thế nhưng, khi chính quyền đề nghị người dân hiến kế một cách nghiêm túc cho một vấn đề nghiêm túc, chúng ta lại chế giễu thì có nên không? Tôi nghĩ ai tham gia thì tham gia, nếu không tham gia thì cũng không nên chế giễu những người tham gia đề xuất với chính quyền”, ông Nam nói.
Theo nhận xét của Facebooker Thanh Nguyen, người Việt Nam bản chất từ xưa đến nay làm việc gì thấy tiện thì thực hiện, nên đi đường tiện đâu ghé đó.
Ngã 3 đường đông đúc có bà bán xôi hay quà vặt thì các cô ghé vào mua, xe thì đậu nghênh ngang bất chấp có thuận tiện cho các phương tiện khác lưu thông hay không; quán cà phê lề đường, quán nhậu bình dân thì tràn ngập các hè phố; chợ cóc có ở hầu hết hang cùng ngỏ hẽm.
Đó là hiện trạng thực tế gây nên nạn kẹt xe thường trực, do vậy ý thức của mọi người phải thay đổi theo chiều hướng tích cực mới là giải pháp chính.