Thủ tướng tham quan nơi làm việc của các nhà đổi mới sáng tạo tại NIC. Ảnh: HG. |
Chiều 4/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trung tâm hiện tại có một cơ sở ở quận Cầu Giấy và một trung tâm đang xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Cùng đi có các Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung...
NIC được khởi động hình thành từ năm 2019, chức năng chính là hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học và công nghệ.
Tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để NIC hoạt động
Đi thăm nhiều công ty khởi nghiệp sáng tạo, các mô hình làm việc chung, các phòng lab - nơi ứng dụng những công nghệ hàng đầu hiện nay, Thủ tướng dành nhiều thời gian để hỏi thăm, trò chuyện và động viên các startup tại NIC cơ sở Cầu Giấy.
Sau đó, phát biểu trước cộng đồng đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nhắc lại Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ con đường phát triển đất nước là dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, các nhà đổi mới sáng tạo ở đây có thể mạnh dạn làm việc khi đã có chủ trương, đường lối cụ thể.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu NIC phải là trung tâm hội tụ lớn nhất về trí tuệ và sau đó lan tỏa hài hòa để tiếp tục phát triển, để tạo ra sản phẩm, tạo ra của cải vật chất và các nguồn lực.
Thủ tướng yêu cầu NIC phải là trung tâm hội tụ trí tuệ và lan tỏa nguồn lực. Ảnh: Dương Giang/TTXVN. |
"Tinh thần chung là hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích", Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ trí tuệ ở đây là quy tụ khắp thế giới, không kể biên giới, dân tộc, màu da, giới tính, tuổi tác.
Ông cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ ngành khác, xây dựng và đề xuất một cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho NIC hoạt động hiệu quả. Ông nhấn mạnh phải rà soát các vấn đề pháp lý bởi trong việc hỗ trợ đổi mới sáng tạo, pháp lý có thể thay đổi rất nhanh.
Hiện tại, Chính phủ có thể ban hành một nghị định về vấn đề này. Trong trường hợp chờ nghị định mất thời gian dài, các cơ quan quản lý cần tham mưu Chính phủ ban hành ngay các nghị quyết để giải quyết những vấn đề phát sinh. Việc lựa chọn sửa đổi nghị định hay ban hành nghị quyết phải phù hợp với hoàn cảnh.
Người đứng đầu Chính phủ nêu thêm yêu cầu là phải có nguồn lực để phục vụ phát triển trí tuệ, phải có "vốn mồi" song song các cơ chế chính sách, giúp hỗ trợ để nguồn lực từ trung tâm tiếp tục sinh ra nguồn lực.
Ông yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập nhanh chóng một quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo, giống như cách đã lập quỹ vaccine để có cơ chế huy động nguồn lực từ xã hội.
Nguồn lực của Nhà nước vào NIC sẽ được các cơ quan quản lý thảo luận thêm trong thời gian tới. "Đầu tư cho trung tâm là đầu tư cho phát triển, không có gì phải sợ, miễn là đừng có tham ô lãng phí và phải công khai minh bạch", ông nói.
Với nguồn lực con người, ông mong muốn NIC là nơi có thể kêu gọi, tập hợp nguồn lực con người từ khắp thế giới, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Trong tương lai gần, NIC hoàn toàn có thể cộng tác nghiên cứu với các trường đại học lớn trong nước để đào tạo nhân sự và nghiên cứu khoa học.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Nhà nước sẽ hỗ trợ đối với các nhà đổi mới sáng tạo hợp pháp, các công ty công nghệ mới, có chế độ chính sách hỗ trợ thế hệ trẻ phù hợp với hoàn cảnh đất nước.
Xây dựng NIC hoàn toàn không dùng ngân sách
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết việc thành lập NIC xuất phát từ mong muốn làm thế nào để đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, tăng năng suất lao động, sớm giúp Việt Nam đi nhanh, vươn lên trở thành một nước phát triển.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết tâm hình thành NIC mà đến nay hoàn toàn chưa dùng đến ngân sách Nhà nước. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nguồn lực xã hội hóa được huy động đến nay đã lên đến 1.000 tỷ đồng. Ông mong muốn sớm hoàn thành trụ sở NIC ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, để nơi đây thực sự trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: TH. |
Bộ trưởng cũng cho rằng đất nước có tài sản rất lớn là những con người Việt Nam được đào tạo rất bài bản tại các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, làm việc tại các tập đoàn, công ty, viện trường tên tuổi trên toàn cầu.
"Chúng tôi đã hình thành mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, hiện có 8 mạng lưới thành phần tại các khu vực như Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… để quy tụ hơn 1.600 chuyên gia trên toàn cầu", ông Dũng nói.
Việt Nam cũng đang là quốc gia đầu tiên có mô hình trung tâm đổi mới sáng tạo cấp quốc gia. Các nước khác có trung tâm nhưng là phục vụ mục tiêu của tập đoàn, của địa phương, không phục vụ mục đích chung của quốc gia.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, NIC đã ghi nhận một số kết quả đáng kể. Thứ nhất, Trung tâm đã hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với 3 trụ cột chính: Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp và các chủ thể liên quan bao gồm các trung tâm hỗ trợ, ươm tạo, các mạng lưới chuyên gia, trí thức, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính…
Những đối tác lớn và quan trọng của NIC có thể kể tới như các tập đoàn công nghệ Google, Meta, Amazon, Siemens, Hitachi, Viettel, FPT, CMC…; các viện nghiên cứu, trường đại học lớn trong nước, quốc tế, các trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại các nước như Station F Pháp, Brainport Hà Lan, IMEC, Hub.brussels Bỉ, Adlershof Đức… cùng gần 200 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã tham gia hệ sinh thái.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...