Quyết định này dựa trên đề xuất của của nhiều doanh nghiệp tại hội nghị 'Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam' chiều hôm qua tại TP.HCM.
Cụ thể, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA), cho rằng chính sách của Nhà nước cho nông nghiệp phải được công bằng. Cần có một mô hình nào đó đủ hấp dẫn ít nhất về vốn.
Nếu giải cứu bất động sản đã có gói 30.000 tỷ đồng thì muốn khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp phải có chính sách tương tự.
“Cách làm này sẽ góp phần thay đổi ngành nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, từ ngành có giá trị gia tăng và tốc độ tăng trưởng thấp sang ngành có giá trị vượt trội. Đồng thời hình thành một chuỗi giá trị nông nghiệp hiệu quả cạnh tranh, cung cấp sản phẩm có chất lượng”, ông Bình nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Căn cứ trên đề xuất các doanh nghiệp, Thủ tướng đồng ý cần phải có một gói tín dụng 50.000 – 60.000 tỷ đồng với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tuy nhiên, để điều tiết nguồn vốn không chỉ do một ngân hàng làm việc này mà cho nhiều ngân hàng thương mại. Bởi vì, nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức.
Ngoài ra, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất. Cùng với tín dụng, Thủ tướng đề nghị cần thành lập, phát triển một số quỹ bảo hiểm nông nghiệp, quỹ hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, ban hành cơ chế đầu tư tín dụng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó quan trọng nhất là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, hình thành quỹ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng cũng đưa ra thông điệp, không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.