Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng muốn được các chuyên gia tham mưu giúp Việt Nam

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn cầu thị và muốn nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia cả trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

Ngày 13/12, Nhóm Sáng kiến Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị bàn tròn Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam với chủ đề “Việt Nam trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của chính phủ mới của Việt Nam với mạng lưới chuyên gia toàn cầu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ lắng nghe các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Thủ tưởng đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về Chính phủ kiến tạo và hành động. Thông điệp này đã trở thành lực hút, khơi dậy hơn nữa nhiệt huyết của trí thức Việt Nam trên toàn cầu quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam. Đồng thời đội ngũ này sẽ tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định chính sách.

chinh phu muon chuyen gia tham muu anh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định, tinh thần Chính phủ là phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà Đảng, Quốc hội đề ra. Nếu tăng trưởng thấp thì nợ công cùng nhiều vấn đề khác như giải quyết việc làm gặp khó khăn. Vì vậy Chính phủ cần lắng nghe ý kiến tham vấn của chuyên gia với tinh thần cởi mở, chân thành, thẳng thắn để tháo gỡ khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tình hình thế giới cả về kinh tế, chính trị, an ninh hiện khó dự đoán, trong khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, mọi sự biến động của thế giới đều ảnh hưởng đến Việt Nam. Chính vì vậy Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ muốn dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia chứ không phải chỉ trong khuôn khổ hội nghị này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ: “Tôi ấn tượng về các bài phát biểu hôm nay, trước hết là phát biểu về mô hình phân tích cấu trúc của nền kinh tế của GS. Hausmann. Đặc biệt là phát biểu về chính sách công nghiệp hoá của GS. Trần Văn Thọ. Rồi những điểm nghẽn trong hệ thống kinh tế của PGS. Trần Ngọc Anh”.

“Tôi rất muốn nghe thêm ý kiến của GS. Ngô Bảo Châu và tôi biết Viện Toán có nhiều hoạt động hết sức thiết thực. Chúng tôi muốn nghe việc ứng dụng toán trong phân tích kinh tế. Tôi cũng rất muốn nghe  thêm ý kiến của PGS. Andreas Hauskrecht, chuyên gia về tài chính quốc tế, về dự đoán tình hình tài chính, kinh tế tiền tệ thế giới và gợi ý cho Việt Nam. Hy vọng cuộc thảo luận có thể kéo dài hơn chứ không chỉ 2 tiếng đồng hồ trong hội nghị”.

Trên tinh thần lắng nghe và hành động, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và Sáng kiến Việt Nam xây dựng kênh huy động nguồn tri thức quốc tế kết hợp với nguồn tri thức trong nước để thường xuyên hỗ trợ Chính phủ trong tư vấn chính sách, chia sẻ thông tin trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Hoạt động cần có kết quả cụ thể, thiết thực.

Ngoài ra, Bộ Công Thương có thể trao đổi sâu hơn với nhóm nghiên cứu của GS. Hausmann, GS. Trần Văn Thọ, PGS. Trần Ngọc Anh và các chuyên gia khác về công nghiệp, thương mại để tham mưu chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với sự tham gia dịch chuyển trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu của kinh tế Việt Nam và các chính sách về công nghiệp hóa. Báo cáo Chính phủ về những tiến bộ hàng năm của Việt Nam.

 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm