Trả lời phỏng vấn của CNN một ngày sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel lo ngại "lục địa già" đang đối diện những bóng ma trong quá khứ khi các nhóm ủng hộ chủ nghĩa dân tộc thu hút sự ủng hộ ngày một lớn.
"Ở nước Đức, chúng tôi luôn phải nhìn nhận mọi việc trong sự đối chiếu với quá khứ. Chúng tôi luôn phải cảnh giác hơn những quốc gia khác. Chúng tôi phải nhắc nhở thế hệ trẻ lịch sử đã mang đến những hệ quả gì cho đất nước và những quốc gia khác", bà chia sẻ.
Một quan chức hàng đầu của chính quyền Đức vừa qua phải cảnh báo người Do Thái không nên mang mũ kippah truyền thống ra đường, lo ngại các vụ tấn công do tâm lý bài xích Do Thái kích động đang tăng. Bà Merkel thừa nhận tâm lý bài xích này luôn tồn tại, dù chỉ một phần nhỏ, trong xã hội Đức.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: CNN. |
"Cho đến hôm nay, mọi nhà thờ hay trường mẫu giáo của người Do Thái đều có cảnh sát bảo vệ", thủ tướng Đức cho biết.
Nhiều người đổ lỗi cho chính sách nhập cư của bà Merkel góp phần làm làn sóng dân túy trỗi dậy ở châu Âu, đặc biệt là sự ủng hộ ngày một lớn dành cho đảng cực hữu, bài xích Hồi giáo Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD). Tuy nhiên, người phụ nữ 13 năm giữ ghế thủ tướng vẫn bảo vệ quyết định tiếp nhận gần 1 triệu người tị nạn.
Bà tin tưởng cách giải quyết vấn đề nhập cư và những cuộc khủng hoảng nhân đạo là sự cảnh giác, đảm bảo người nhập cư nhận được đủ sự chăm sóc. Bà cho rằng những chính sách đóng cửa không phải là giải pháp đúng đắn.
Làn sóng cánh hữu tại chính trường châu Âu được chặn đứng một phần nhờ sự ủng hộ cao bất ngờ dành cho các đảng ủng hộ bảo vệ môi trường và lập trường tự do, vốn cũng ủng hộ Liên minh châu Âu (EU). Số lượng người tham gia bỏ phiếu tăng vượt dự báo. Ở Đức, đảng Xanh được ủng hộ nhiều thứ hai, chỉ sau Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel.
Thủ tướng Merkel, Tổng thống Trump cùng lãnh đạo các nước G7 tại hội nghị thượng đỉnh ở Canada năm 2018. Ảnh: Getty. |
Thủ tướng Merkel cũng thừa nhận giữa bà và Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có "những cuộc tranh luận nảy lửa". Trong thời gian qua, nhà lãnh đạo của nước Đức từng nhiều lần bày tỏ lo ngại trước các chính sách bảo hộ thương mại và xa rời đồng minh của ông Trump.
Tuy nhiên, bà Merkel cho biết hai người vẫn nỗ lực "tìm điểm chung" ở những vấn đề cấp thiết. Bà nhấn mạnh rằng mọi thủ tướng của nước Đức "đều có nghĩa vụ" xây dựng mối quan hệ với các tổng thống Mỹ.
"Một trong những quyết định quan trọng nhất của Mỹ sau Thế chiến thứ hai là cho Đức và châu Âu một cơ hội để tự phát triển. Điều này thành công nhờ vào Kế hoạch Marshall. Nước Mỹ luôn bảo vệ chúng tôi", bà nhắc lại.