AP nhận định bốn ngày bầu cử ở 28 nước thành viên EU được xem như phép thử cho sức mạnh thật sự của phong trào dân tộc, dân túy và cực hữu đã quét khắp châu Âu những năm gần đây, cũng chính là tác nhân khiến người Anh rời EU. Có 426 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn đi bầu và lượng người bỏ phiếu được ghi nhận là đông nhất trong suốt 2 thập niên, ở mức 50,5%.
Các đảng theo xu hướng ủng hộ EU vẫn được dự đoán sẽ giành được 2/3 trong số 751 ghế của Nghị viện châu Âu, đặt tại hai nơi là Brussels (Bỉ) và Strasbourg (Pháp). Tuy nhiên, một số đảng cực hữu và đảng xanh cũng giành thêm phiếu.
Theo AP, thăm dò sau bỏ phiếu tại Pháp cho thấy đảng Mặt trận Dân tộc của lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen sẽ dẫn đầu, thêm một đòn giáng vào Tổng thống thân EU Emmanuel Macron. Bà Le Pen, nổi tiếng với quan điểm chống nhập cư, nói rằng kết quả cuộc bầu cử "xác nhận sự chia rẽ giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa toàn cầu" ở Pháp ngày càng rộng hơn.
Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen trong sự kiện chung của các lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa tại châu Âu ở Milan hôm 18/5, trước thềm cuộc bầu cử. Ảnh: AFP. |
Tại Đức, quốc gia lớn nhất EU, các thăm dò cho thấy đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Angela Merkel cùng các đảng trong liên minh trung - tả của họ cũng bị mất ghế. Các đảng xanh được dự báo sẽ chiến thắng lớn trong khi phe cực hữu cũng giành thêm một số ghế.
Tại Italy, đảng Liên đoàn, theo đường lối dân túy cánh hữu của Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini, được dự báo sẽ trở thành đảng có nhiều ghế trong Nghị viện châu Âu nhất nước, sau khi giành được khoảng 27-31% số phiếu trong cuộc bầu cử, so với con số 6% 5 năm trước..
Phản ứng đầu tiên của ông Salvini trước kết quả này là đăng một tấm ảnh lên Twitter cho thấy ông đang cầm một biểu ngữ viết bằng tay: "Đảng số 1 tại Italy".
Ở Hungary, đảng Fidesz của Thủ tướng Viktor Orban, với chính sách chống nhập cư quyết liệt, đã giúp họ giành lấy 13 trong số 21 ghế của Hungary, tăng 1 ghế so với năm 2014.
Tổng thống Romania Klaus Iohannis chờ đến lượt bỏ phiếu tại thủ đô Bucharest hôm 26/5. Ảnh: AP. |
Theo AP, cuộc bầu cử không chỉ ảnh hưởng đến việc EU vận hành mà còn phản chiếu chính trị nội bộ của nhiều nước. Nó là mặt trận cho cuộc đua giữa những người ủng hộ việc EU thống nhất hơn và những người xem khối này như một định chế quan liêu, thích can thiệp, từ đó đòi hỏi nhiều quyền lực hơn cho chính phủ các nước thành viên cũng như hạn chế nhập cư.
Kết quả bầu cử cũng có thể khiến hai đảng chính trong Nghị viện châu Âu, đảng Nhân dân châu Âu và đảng Dân chủ - Xã hội, lần đầu tiên không giành được thế đa số kể từ năm 1979. Kết quả này sẽ kéo theo những cuộc thương lượng rắc rối để thành lập một liên minh. Các đảng xanh và Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu đang vận động để tham gia vào nhóm nắm quyền trong nghị viện.
Các đảng xanh giành 71 ghế, tăng đáng kể so với 52 ghế của kỳ bầu cử trước.
Một điểm bỏ phiếu ở Athens, Hy Lạp hôm 26/5. Ảnh: AP. |
Esther de Lange, Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu, nói rằng kết quả cuộc bầu cử cho thấy "sự phân mảnh và sự chìm dần của phe trung lập".
Nghị viện châu Âu soạn thảo chính sách thương mại cho toàn khối, điều tiết nông nghiệp, kiểm soát việc chống độc quyền, làm chính sách tiền tệ cho 19 trong số 28 quốc gia của khối có sử dụng đồng tiền chung. Người Anh vẫn bỏ phiếu bầu cho các ghế của nghị sĩ Anh tại Nghị viện châu Âu. Những người này sẽ mất việc khi Brexit diễn ra.
Sự chia rẽ trong EU đến từ làn sóng người nhập cư từ Trung Đông và châu Phi, các cuộc tấn công khủng bố cũng như sự bất bình đẳng kinh tế và tâm lý bất mãn giành cho hệ thống chính trị và giới cầm quyền hiện tại.