Sáng 11/7, tiếp tục chuyến công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch và duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh phía nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh.
Cùng với lãnh đạo của nhiều bộ, ngành, Thủ tướng đã đi thăm, kiểm tra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đang điều trị các bệnh nhân Covid-19 và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài.
Tây Ninh đề nghị được hỗ trợ bộ kit xét nghiệm nhanh
Mở đầu buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu của đoàn công tác là nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện 2 mục tiêu phòng chống dịch có hiệu quả và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhìn lại 6 tháng qua và nhiệm vụ, phương hướng 6 tháng tới.
Theo Thủ tướng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, biến chủng mới của virus lây lan nhanh hơn, mạnh hơn, rất nguy hiểm, khó lường, đặt ra những yêu cầu, mục tiêu mới, đòi hỏi quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và cách tiếp cận, đối sách, giải pháp mới để thích ứng.
Do đó, lãnh đạo phải “đi tận nơi, thấy tận mắt”, “trăm nghe không bằng một thấy” để nắm rõ tình hình, điều kiện hiện có và chuẩn bị đối sách phù hợp nếu tình hình xấu hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với tỉnh Tây Ninh ngày 11/7. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Theo lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, địa phương đã ghi nhận 186 ca Covid-19, gồm 154 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 27 ca trong cộng đồng; đã điều trị khỏi 40 trường hợp, 1 ca tử vong. Tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 15 với thị xã Trảng Bàng.
Hiện, Tây Ninh có 3 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với công suất 882 giường và tiếp tục xây dựng thêm một số bệnh viện dã chiến tại khác khu công nghiệp, khu chế xuất với hơn 500 giường.
Năng lực lấy mẫu của tỉnh đạt gần 16.000 mẫu mỗi ngày và đang nâng lên 40.000 mẫu/ngày. Khả năng xét nghiệm đạt tối đa 11.550 mẫu gộp/ngày.
Tỉnh Tây Ninh kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm bộ kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Ngoài ra, địa phương đề xuất một số nội dung liên quan tới phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, trong đó có việc xây dựng tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (Tây Ninh) như một động lực phát triển quan trọng…
"Không chủ quan, không hoảng hốt"
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ ngành cho rằng nguy cơ dịch bệnh cao nhất tại Tây Ninh là các trường hợp từ TP.HCM về và nhập cảnh trái phép, một số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng không rõ nguồn lây…
Hiện, hơn 37.000 lao động tại các khu công nghiệp của Tây Ninh đến từ các địa phương khác và khoảng 10.000 người ở Tây Ninh làm việc tại nơi khác.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cơ sở vật chất để tỉnh chống dịch đã được nâng cao rất nhiều so với trước đây và cơ bản đáp ứng yêu cầu so với tình hình hiện tại, nhưng cần tăng cường hơn nữa nếu tình hình phức tạp hơn.
Ông Long cũng cho biết Bộ Y tế đã thiết lập một trung tâm cấp cứu bệnh nhân nặng đặt tại Đồng Nai, điều trị các ca nặng tại khu vực phía nam.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng nhận định tình hình dịch bệnh ở Tây Ninh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao do giáp với TP.HCM, các tỉnh miền Đông, miền Tây và đường biên giới dài.
“Phải xác định như vậy để có phương án cao hơn rất nhiều phương án đang có. Dứt khoát không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, cũng không hoảng hốt, mất bản lĩnh, mất bình tĩnh khi dịch bệnh xảy ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu của Tây Ninh là chống dịch thành công, không để lây lan trong cộng đồng, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi không để dịch bệnh xâm nhập sâu vào nhà máy, xí nghiệp.
Thủ tướng đến thăm các cơ sở xét nghiệm và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Đoàn Bắc. |
Địa phương phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, người từ vùng dịch, các khu cách ly, phong tỏa; những nơi đã áp dụng Chỉ thị 15, 16 thì phải thực hiện rất nghiêm, dứt khoát.
Thủ tướng cũng đề nghị Tây Ninh chia sẻ với TP.HCM trong việc đón những người có nguyện vọng trở về để góp phần giải tỏa cho TP.HCM, thực hiện quy trình xét nghiệm, cách ly chặt chẽ.
Ngoài ra, địa phương phải “làm ngay, không chờ đợi” việc hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là người mất việc làm, người yếu thế, lao động tự do... nhằm triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ sát tình hình thực tế.
Về phát triển hạ tầng chiến lược, do nguồn lực có hạn nên Tây Ninh phải có trọng tâm trọng điểm, xóa bỏ “xin cho”, chấm dứt dàn trải, manh mún, nhỏ lẻ, chia cắt, kéo dài trong đầu tư công. Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư ngoài Nhà nước bằng các hình thức hợp tác công tư.
Trước đề xuất của Tây Ninh về tuyến cao tốc kết nối với TP.HCM, Thủ tướng nêu rõ đây không phải ưu tiên cao nhất của TP.HCM, nhưng lại là ưu tiên số 1 của Tây Ninh trong đầu tư hạ tầng chiến lược. Do đó, Thủ tướng giao Tây Ninh phối hợp với Bộ GTVT đề xuất Chính phủ xem xét quyết định.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá các kiến nghị của tỉnh về cơ bản là xác đáng, có cơ sở thực tiễn, giao các Bộ, cơ quan xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
“Mong Tây Ninh phát triển đúng tầm, chống dịch thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng ngày, trong chuyến thăm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Tây Ninh, Thủ tướng lưu ý đơn vị cần tuân thủ nghiêm các quy định, quy trình phòng chống dịch, không để dịch lây lan cho cán bộ, y bác sĩ tại bệnh viện, phát huy tinh thần dũng cảm, không sợ sệt trước dịch bệnh nhưng cũng không liều lĩnh, phải bảo đảm an toàn.