Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: Không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Đây là thông điệp được Thủ tướng nhấn mạnh tại Diễn đàn & Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022, qua đó kêu gọi EU hỗ trợ công nghệ và nguồn vốn cho Việt Nam phát triển kinh tế xanh.

Phát biểu tại hội nghị toàn thể trong khuôn khổ GEFE 2022 do Eurocham tổ chức sáng 28/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh không phải là công việc của một quốc gia, mà là nhiệm vụ của toàn cầu, từ đó kêu gọi đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương.

Vì vậy, bên cạnh khẳng định cam kết phát triển bền vững, không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, Thủ tướng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) và các doanh nghiệp quốc tế hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xanh trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

thu tuong anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại GEFE 2022. Ảnh: Hoàng Hùng.

Việt Nam cần công nghệ tiên tiến và nguồn vốn xanh, rẻ

Trước lãnh đạo EU và các đại diện các doanh nghiệp châu Âu, Thủ tướng nêu rõ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.

Mặt khác, Việt Nam cũng cam kết bảo đảm chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, cũng như thúc đẩy hợp tác công tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường.

Trong quá trình hướng đến các mục tiêu phát triển kinh tế xanh của Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn vốn xanh, rẻ.

"Chúng tôi là một nước đang phát triển mà phải làm nhiệm vụ của một nước phát triển, là một nền kinh tế đang chuyển đổi mà phải làm nhiệm vụ của một nền kinh tế giàu có. Chúng tôi sẽ cố gắng nhưng hy vọng các bạn giúp chúng tôi về công nghệ, nguồn vốn với lãi suất phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngang tầm với các bạn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Riêng với TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi xác định sẽ có trách nhiệm tiên phong trong thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển bền vững của quốc gia, trong đó có những cam kết của Thủ tướng tại COP 26 và tại GEFE 2022.

Do đó, TP.HCM mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu đầu tư vào TP theo các định hướng phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Chủ tịch Phan Văn Mãi cam kết đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đồng thời mong muốn lắng nghe góp ý của các chuyên gia, tổ chức quốc tế cũng như sự đồng hành, hợp tác hiệu quả hơn nữa của các bên.

Quốc tế đồng hành cùng Việt Nam

Cũng tại hội nghị, đại diện các cơ quan của EU và Ngân hàng Thế giới (WB) nhiều lần dùng từ "tham vọng" để mô tả các mục tiêu và cam kết của Việt Nam trong phát triển kinh tế xanh.

Nhớ lại trước đây, Trưởng Phái đoàn - Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberto cho biết một công ty của EU từng muốn đầu tư số vốn rất lớn vào Việt Nam nhưng còn e ngại về việc không có cơ sở năng lượng xanh đủ để đáp ứng tiêu chuẩn.

Nhưng theo ông, đến nay khi Việt Nam có những tín hiệu tích cực thông qua các cam kết đầy tham vọng này, rất nhiều doanh nghiệp quốc tế đã đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam. Điều đó cho thấy các chính sách hướng đến phát triển kinh tế xanh có thể mang đến nhiều lợi ích tích cực.

thu tuong anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam, EU tham quan các gian hàng triển lãm tại GEFE 2022. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhấn mạnh đây là xu thế tất yếu mà EU mong muốn kêu gọi các thành viên và đối tác theo đuổi, ông Virginijus Sinkevičius - Cao ủy Ủy ban châu Âu về Môi trường, Đại dương và Thủy sản khẳng định mong muốn đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển kinh tế xanh.

Các lĩnh vực được ông nêu rõ là chống biến đổi khí hậu, giảm tiêu thụ năng lượng hóa thạch, giảm rác thải nhựa, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, chống buôn bán động vật hoang dã, triển khai chiến lược thực hành nông nghiệp xanh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng diện tích rừng, sử dụng năng lượng sạch...

Đặc biệt, EU sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đưa tăng trưởng xanh vào các ngành xuất khẩu chủ lực đang gây phát thải lớn như dệt may, da giày, gỗ...

Trong bài phát biểu tại GEFE 2022, bà Liesjie Schreinemacher, Bộ trưởng Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan cũng thốt lên "kinh ngạc và không thể tin nổi" với cách Việt Nam vươn lên chỉ trong vòng một thế hệ: Từ một quốc gia còn chịu nhiều vết thương của chiến tranh trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất thế giới.

Do đó, với nhiều kinh nghiệm và chuyên môn trong xử lý các thách thức về môi trường khi chuyển đổi thành một nền kinh tế phát triển, Hà Lan mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới.

EuroCham: Việt Nam là điểm đến hứa hẹn giữa bất ổn toàn cầu

Doanh nghiệp châu Âu bi quan hơn về môi trường kinh doanh, nhưng chủ yếu do các yếu tố bên ngoài. Theo chủ tịch EuroCham, đây vẫn là thời điểm thú vị để đầu tư tại Việt Nam.

Kim ngach xuat khau cao ky luc hinh anh

Kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục

0

Trong nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đã đạt hơn 368 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm