Theo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố, niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm nhẹ trong quý II so với quý I. BCI được thực hiện bởi YouGov Việt Nam.
Tuy nhiên, BCI quý II vẫn cao hơn quý IV/2021. Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho rằng đây vẫn là thời điểm "thú vị và hứa hẹn để kinh doanh tại Việt Nam".
Bất ổn toàn cầu
Cụ thể, sau khi tăng trong quý đầu tiên, BCI giảm 4,4 điểm phần trăm vào quý II xuống 68,8 điểm. Trái ngược với hồi đầu năm, các yếu tố kép như cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, giá hàng hóa tăng đột biến và hiệu ứng gợn sóng của chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã làm giảm kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, BCI vẫn cao hơn 7,6 điểm phần trăm so với quý cuối năm 2021 (61 điểm).
Trong quý II, niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm nhẹ so với quý I, nhưng vẫn tăng so với quý IV/2021. |
So với quý I, lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu cũng cho thấy niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam đã giảm xuống. 60% số người được hỏi dự đoán rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hoặc cải thiện trong quý III, trong khi con số này quý trước đó là 69%.
Ngoài ra, 45% số người tham gia khảo sát rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam, trong khi 76% kỳ vọng rằng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III.
Điều này có thể do 55% số người trả lời cho biết Việt Nam đã cải thiện khả năng thu hút và duy trì vốn FDI kể từ quý I.
Bất chấp những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, đây là thời điểm thú vị và đầy hứa hẹn để kinh doanh tại Việt Nam
Chủ tịch EuroCham Alain Cany
Trong khi đó, 79% lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết đánh giá của họ về tiềm năng phát triển xanh của Việt Nam đã được cải thiện ngay từ quý đầu tiên.
Cuộc khảo sát cũng đã xác định các rào cản đối với đầu tư của châu Âu vào Việt Nam và thương mại giữa hai bên. 35% số người được hỏi cho rằng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính là cách hiệu quả nhất để tăng vốn FDI, trong khi 24% coi phát triển cơ sở hạ tầng là nhân tố chính.
Tương tự như vậy, 45% số người tham gia khảo sát cho biết các các khó khăn chính mà công ty nước ngoài gặp phải liên quan tới các thủ tục hành chính, điều làm cản trở khả năng của họ trong việc tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Một liên hoàn ngoại tố đang gây ra bất ổn kinh tế toàn cầu. Vấn đề này không phải của riêng Việt Nam", Chủ tịch EuroCham Alain Cany bình luận.
Điểm đến hứa hẹn
Ông cho rằng những cam kết tại COP26 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ cho thấy Việt Nam đang nghiêm túc thực hiện những thay đổi cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
“Do đó, bất chấp những bất ổn trong kinh tế toàn cầu, đây là thời điểm thú vị và đầy hứa hẹn để kinh doanh tại Việt Nam", chủ tịch EuroCham khẳng định.
Còn theo Giám đốc điều hành của YouGov Thue Quist Thomasen, kết quả BCI cho thấy sự giảm điểm nhẹ trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa và trở lại hoạt động kinh doanh bình thường.
"Tuy nhiên, việc Việt Nam xử lý tình hình hiện tại rõ ràng là một tác động giảm thiểu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn. Tỷ lệ duy trì lạm phát ở mức gần mục tiêu và sự cải thiện trong xếp hạng tín dụng của đất nước là một minh chứng mạnh mẽ", ông nói thêm.
Theo ông, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam vẫn ổn định trong thời gian đầy biến động, nên nguồn vốn FDI đổ vào vẫn được duy trì. Tiềm năng tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đang khuyến khích các nhà đầu tư châu Âu.
"Do đó, kết quả BCI quý này cũng như thị trường Việt Nam nói chung nên được đánh giá một cách tích cực", vị chuyên gia khẳng định.