Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Không giảm điều kiện kinh doanh theo kiểu thay tên đổi họ'

Trong chỉ thị vừa ban hành, Thủ tướng lưu ý phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành một điều kiện theo kiểu cơ học.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg nhằm tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Cắt giảm, đơn giản hóa 50% một cách thực chất

Trong chỉ thị lần này, Thủ tướng chỉ thị từng bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội.

Ông yêu cầu cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.

thu tuong yeu cau cat giam dieu kien kinh doanh anh 1
Thủ tướng cho rằng vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác cắt giảm điều kiện kinh doanh, hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Báo Hải Quan.

Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15/8, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải gắn mã HS.

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành một điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Chỉ thị cũng yêu cầu một sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý. Phương thức quản lý chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân; không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch.

Văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh; phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành một điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.

Nghiêm cấm đặt thêm điều kiện kinh doanh

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn thiếu để phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành. Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng) hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan ngang bộ và kịp thời thẩm định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành.

Chỉ thị nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.

thu tuong yeu cau cat giam dieu kien kinh doanh anh 2
Chỉ thị nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật. Ảnh: Nguyễn Minh.

Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành phải bảo đảm rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo rào cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ công bố kết quả cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh cùng lợi ích kinh tế mang lại ngay sau khi các văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa được cấp có thẩm quyền ban hành.

Định kỳ hàng quý, các bộ, cơ quan ngang bộ báo cáo Thủ tướng về số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và số lượng điều kiện kinh doanh. Trong đó, cần nêu rõ sự tăng, giảm và nguyên nhân của việc tăng, giảm số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh trong kỳ báo cáo.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Cụ thể, mới chỉ có khoảng 6% mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành. Vẫn còn 63/164 danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ quản lý chuyên ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS chưa phù hợp.

Dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước ASEAN-4.

Vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Tiến độ thực hiện đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu còn thực hiện chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm