Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 sáng 2/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin về việc đã giới thiệu các thành viên Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ khóa mới.
Cho biết nhân sự lãnh đạo trong bộ máy Chính phủ tới đây sẽ “thay đổi cơ bản”, Thủ tướng lưu ý trách nhiệm bàn giao là rất lớn. Do đó, các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phần còn lại của nhiệm kỳ.
Tinh thần trách nhiệm đến phút cuối cùng
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phiên họp cuối khóa, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung vào những công việc cấp bách cần thực hiện. Các bộ trưởng, đại diện bộ, ngành cần quán triệt tinh thần còn tồn tại việc gì thì giải quyết ngay trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải tập trung giải quyết để bước sang Chính phủ khóa mới sẽ tốt nhất, liên tục nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “còn ngày nào, càng phải làm việc ngày đó để đóng góp xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu Chính phủ đã đề ra để bàn giao từ khóa XIV sang XV". Ảnh: VGP. |
"Tôi đã có nhiều văn bản chỉ đạo từ thể chế đến nội dung cụ thể để các bộ ngành giải quyết dứt điểm, không thể nói biết rồi mà không giải quyết. Thậm chí, có công việc cần giải quyết thì Chính phủ, Thủ tướng sẵn sàng họp trực tiếp trong đêm, phân công giải quyết”, Thủ tướng nói.
"Riêng Thủ tướng có chương trình rất cụ thể, các phó thủ tướng theo nhiệm vụ được phân công bám vào các việc tập trung giải quyết dứt điểm, còn ngày nào càng phải làm việc ngày đó để đóng góp cho đất nước, thực hiện mục tiêu Chính phủ đã đề ra để bàn giao trách nhiệm từ Chính phủ khóa XIV sang Chính phủ khóa XV", ông quán triệt.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng nhắc nhở cần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép tiếp tục để thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đạt mục tiêu ở mức cao nhất.
“Trong quý I này, phải có kết quả tích cực, trong đó, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06 ngày của Thủ tướng về đôn tốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021”, Thủ tướng yêu cầu.
Trong phần phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định các chỉ tiêu trong 2 tháng đầu năm đều vượt so với kế hoạch. Trong đó, các chỉ tiêu vĩ mô đều tốt hơn, đặc biệt là nợ công, thu, chi ngân sách.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi mục tiêu kép, kiểm soát tốt dịch bệnh và ổn định sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống người dân. Một lần nữa, lãnh đạo Chính phủ nhắc lại năm 2020 là năm thành công nhất trong 5 năm qua, có ý nghĩa lịch sử sau 35 năm đổi mới.
"Không được có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ dù ở cương vị mới hoặc nghỉ chế độ công tác. Phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, trước Đảng, trước dân, phải làm đến phút cuối cùng", Thủ tướng nhắc lại.
Sớm đề xuất gói hỗ trợ mới
Về tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận Việt Nam vẫn có những thách thức từ bên ngoài khi dịch bệnh còn nặng nề. Do đó, cần đề cao cảnh giác, nhất là chủng mới có thể lây nhiễm trong cộng đồng.
Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong khi chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống. Ông cho biết ngành hàng không, dịch vụ, du lịch đang bế tắc. Một số tạm ngừng kinh doanh.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục thúc đẩy xử lý nợ xấu ngành ngân hàng, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% như kế hoạch; đồng thời, nâng cao hội nhập, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút, sàng lọc FDI có chất lượng.
"Thời cơ đến Việt Nam rất lớn, chưa khẳng định các dòng vốn vào Việt Nam hết, nhưng xu hướng rất rõ ràng. Cần có môi trường đầu tư tốt để thu hút. Bên cạnh phát huy tập đoàn kinh tế Nhà nước cần phát triển kinh tế tư nhân, tạo nền tảng phát triển lâu dài", Thủ tướng chỉ đạo.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương. Với một số khó khăn của người dân và doanh nghiệp, ông Phúc đề nghị rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ mới để giúp doanh nghiệp, người dân vượt khó, nuôi động lực phát triển kinh tế, tạo nguồn thu lâu dài.
Thủ tướng đề nghị các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục tháo gỡ thể chế, phấn đấu không để nợ văn bản hướng dẫn luật trước khi bàn giao cho Chính phủ mới.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 2/2021 của Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu. |
Về tăng trưởng xanh, ông Phúc chỉ đạo tiếp tục phát động trồng một tỷ cây xanh, trong đó, ngành nông nghiệp và tài nguyên môi trường phải có cơ chế phát động.
Thủ tướng cũng đề nghị sớm chuẩn bị các báo cáo về nhân sự, phát triển kinh tế - xã hội... để trình kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV, dự kiến diễn ra từ cuối tháng 3. Trong đó, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu để đề xuất phương án nhân sự.
Ông nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngành thanh tra, công an và các địa phương cần giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Các bộ ngành cần giải quyết các vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực phụ trách...