Sáng 8/9, phát biểu kết luận hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão Yagi - bão số 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đây là cơn bão có cường độ mạnh, tăng nhanh; mạnh nhất trong 30 năm qua; tăng cấp không theo quy luật; thời gian lưu bão trên đất liền dài hiếm có; diễn ra trên diện rộng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc. |
5 mục tiêu cấp bách sau bão số 3
Thủ tướng đánh giá công tác dự báo, ứng trực, lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin truyền thông cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương vào cuộc quyết liệt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, thiệt hại vẫn rất lớn.
Người đứng đầu Chính phủ chuyển lời thăm hỏi chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương có mất mát về người và tài sản do bão số 3.
Thủ tướng biểu dương Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là Bí thư, Chủ tịch các địa phương, lực lượng quân đội, công an, các lực lượng liên quan trong phòng chống và khắc phục hậu quả bão.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ 5 mục tiêu sắp tới. Đầu tiên là tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số.
Thứ hai, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.
Thứ ba, khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Thứ tư, thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Thứ năm, ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…
Xuất cấp ngay gạo dự trữ hỗ trợ dân
Để đạt các mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, bộ, ngành có liên quan chủ động, tích cực triển khai việc khắc phục hậu quả bão theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp tục ứng trực để kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai.
Thủ tướng kêu gọi hỗ trợ người dân bị thiệt hại do bão số 3 theo tinh thần "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều". Ảnh: Thạch Thảo. |
Các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì công tác dự báo và truyền thông; chú ý thông tin hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai.
Chính quyền địa phương, các bộ, ngành theo thẩm quyền sử dụng dự trữ cho phòng chống thiên tai (tài chính, phương tiện, vật tư…) để khôi phục hoạt động trở lại bình thường.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo các địa phương xuất cấp dự trữ để khắc phục những vấn đề cấp bách về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân và đề xuất hỗ trợ của Trung ương từ ngân sách dự phòng. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc được giao chủ trì xử lý, quyết định việc này.
Thử tướng lưu ý, việc này cần làm ngay, hoàn thành trước 18h ngày 8/9 và sau đó tiếp tục bổ sung nếu cần thiết. Các địa phương phải thống kê ngay, xuất cấp ngay gạo dự trữ, cần bao nhiêu xuất bấy nhiêu, quan trọng là phải thống kê chính xác, minh bạch, tránh tiêu cực xảy ra.
Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương không bị thiệt hại hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp bị thiệt hại theo tinh thần: "Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của góp của, có công góp công, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta".
Sau hội nghị, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẽ tiếp tục về các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai sau bão.
Hơn 600 trang Việt Nam - Lãnh thổ và các vùng địa lý đã bao quát toàn bộ cảnh quan và đặc điểm cụ thể từng vùng ở Việt Nam trên nhiều góc nhìn như tự nhiên, khí hậu, đất đai, sông ngòi, dân cư, đặc trưng kinh tế. Đây được xem là tác phẩm kinh điển về địa lý Việt Nam của giáo sư Lê Bá Thảo.