“Kiểm soát hoạt động của các công ty chứng khoán thế nào để đảm bảo tính minh bạch và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư?”, là câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận tại hội nghị Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chiều 22/4.
Ông nhấn mạnh việc xử lý một số cá nhân, tổ chức thao túng chứng khoán, có dấu hiệu vi phạm ở thị trường trái phiếu giúp thị trường vốn trở nên minh bạch, giống như “hy sinh lợi ích trước mắt để đảm bảo lợi ích lâu dài”.
Xử lý sai phạm là cần thiết
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các tổ chức, cá nhân vi phạm trong thị trường chứng khoán, trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung cần được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh xử lý sai phạm là cần thiết, nhưng số sai phạm chỉ là thiểu số.
Mục đích xử lý nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, giúp tuân thủ nghiêm pháp luật, làm trong sạch thị trường, an toàn và bền vững hơn. “Chúng ta cần hy sinh lợi ích trước mắt để đổi lại lợi ích lâu dài, bền vững”, ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu mở đầu hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
Theo Thủ tướng, Chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tập thể tham gia thị trường vốn một cách minh bạch, lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sẽ kiên quyết xử lý những cá nhân cố tình vi phạm, trục lợi, có lợi ích nhóm, giúp bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, tôn trọng nghiêm pháp luật.
Ông cũng nhấn mạnh Chính phủ sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định thị trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
“Quá trình vận động phát triển luôn nảy sinh những mâu thuẫn, chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn này, để tiếp tục phát triển. Nếu xuất hiện mâu thuẫn mới thì tiếp tục giải quyết. Quan trọng là nhìn ra và cương quyết xử lý kịp thời”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp của Chính phủ lúc này là nhanh chóng làm trong sạch lành mạnh thị trường, đảm bảo quyền và lợi chính đáng của đầu tư, đưa thị trường vào phát triển nhanh, bền vững, không chủ quan, có căn cứ khoa học thực tiễn.
Ông cho rằng thị trường vốn và chứng khoán Việt Nam có những nền tảng vững chắc để phát triển, đó là sự năng động của khu vực sản xuất kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế. Do đó, Việt Nam có thể vươn lên trở thành thị trường vốn mới nổi và thành công của khu vực và trên thế giới.
Thao túng giá, làm giá chứng khoán
Theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, quy mô thị trường vốn của Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021. Hiện tại, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015.
Trong đó, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 39,7% GDP (trong đó trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP và trái phiếu doanh nghiệp là 14,2% GDP).
Trong năm 2021, chỉ số VN-Index có sự tăng trưởng tốt. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu 93,8%GDP vào cuối tháng 3, tăng 3,37% so với cuối 2021 với 1.651 chứng khoán đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Nhiều tổ chức quốc tế được mời tham dự hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
Trong năm 2021, tổng mức huy động vốn trên thị trường vốn đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, tương đương 38,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó, khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ đạt trên 318.000 tỷ đồng. Huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu và đấu giá cổ phần hóa đạt trên 143.500 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 636.000 tỷ đồng.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sự tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu. Tổng khối lượng phát hành riêng lẻ năm 2021 là 605.000 tỷ đồng, tăng 38,8% so với năm 2020. Khối lượng phát hành ra công chúng là 31.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 36,2% tổng khối lượng phát hành, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 33,26% tổng khối lượng phát hành.
Bộ trưởng nhấn mạnh trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá và ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tiếp tục phát sinh rủi ro do có các nhà đầu tư cá nhân chưa hiểu biết rõ về pháp luật trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.
Một số trường hợp đã có hành vi gian lận khi xác định trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để mua trái phiếu riêng lẻ. Tình hình tài chính của một số doanh nghiệp phát hành còn hạn chế; một số doanh nghiệp có mục đích sử dụng vốn không đ ng với thông tin đã công bố.
Siết chặt các công ty phát hành
Ông Phớc nhấn mạnh trước mắt, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng siết chặt một cách hợp lý, quản lý chặt chẽ các công ty phát hành.
Các doanh nghiệp yếu kém không được phát hành, thu hẹp lại mục tiêu huy động trái phiếu chỉ phục vụ cho việc đầu tư triển khai dự án. Doanh nghiệp sau khi phát hành phải thông báo ngay cho Sở giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thường xuyên có công bố thông tin về việc xử dụng tiền từ huy động trái phiếu.
Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ để trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Bởi vậy, doanh nghiệp dựa rất nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung dài hạn (năm 2021, quy mô tín dụng đạt 124,3% GDP).
Thực trạng này đã và đang tạo sức ép và rủi ro lớn cho hệ thống tổ chức tín dụng khi nguồn vốn chủ yếu là ngắn hạn (tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn chiếm khoảng 82% tổng huy động vốn).
Do đó, việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển minh bạch, hiệu quả giúp cân bằng, hài hòa theo hướng vốn ngắn hạn dựa vào hệ thống ngân hàng. Bà Hồng cũng đề xuất cần sớm hình thành thị trường giao dịch trái phiếu chuyên nghiệp theo thông lệ quốc tế.