Tại ngày làm việc thứ 2 Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sáng 28/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành nhiều thời gian đề cập đến Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và phương hướng 5 năm tới.
Theo Thủ tướng, để bàn về chiến lược, trước hết chúng ta phải trả lời “câu hỏi chúng ta đang ở đâu”. Và kết quả đạt được hôm nay là quá trình phấn đấu của nhiều thế hệ, nhất là sau 35 năm đổi mới.
Việt Nam lọt top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Quy mô nền kinh tế Việt Nam trong top 40 nền kinh tế lớn nhất và đứng thứ 4 trong ASEAN. GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 3.500 USD, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công.
Độ mở của nền kinh tế đạt khoảng 200% GDP và Việt Nam là một trong những nước có độ mở kinh tế cao. Như vậy Việt Nam đã có thứ hạng nhất định trên toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế bình quân 10 năm 2011-2021 đạt 5,95%. Nhiều công trình, nhà máy được đầu tư từ các nguồn lực khác nhau.
Thủ tướng cho rằng mục tiêu đưa nước ta đứng thứ nhì trong ASEAN về quy mô nền kinh tế là hoàn toàn khả thi. Ảnh: VGP. |
Không chỉ quan tâm phát triển đô thị, Thủ tướng cho rằng Chính phủ đã chú trọng phát triển cả vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa với mục tiêu "không để ai đói cơm, lạt muối, màn trời chiếu đất do thiên tai".
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, một trong những nhiệm vụ mà nước ta hướng tới là đứng thứ nhì trong ASEAN về quy mô nền kinh tế và nhấn mạnh “khả năng này có thể đạt được nếu chúng ta quyết tâm”. Việt Nam cần bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng đến mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao.
"Chúng ta cần xây dựng nền kinh tế tự chủ, mặc dù hội nhập sâu rộng nhưng chúng ta không phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Coi trọng thị trường trong nước. Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia", Thủ tướng nhấn mạnh.
"Đừng để tình trạng chưa giàu đã già"
Theo Thủ tướng, áp lực đối với nước ta là phải liên tục tăng trưởng cao. Ông dẫn chứng quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc có 2-3 thập niên liền liên tục tăng trưởng cao. Vì vậy, nếu nước ta không liên tục tăng trưởng cao thì tất yếu sẽ tụt hậu, phát triển không bền vững, thu nhập thấp. Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại nguyên tắc phát triển đi trước đón đầu, quyết tâm chính trị cao và khát vọng phát triển trong mọi người dân.
"Tăng trưởng cao liên tục trong mấy thập kỷ là điều cần thiết và năm nay, chúng ta phấn đấu tăng 6-6,5%, sang năm có thể là 7%, nhưng sắp tới phải đạt mức tăng GDP 8-9% bình quân/năm. Con số này đòi hỏi chúng ta phấn đấu và quyết tâm mạnh mẽ", Thủ tướng nêu mục tiêu.
Về việc cân đối ngân sách của từng địa phương, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tinh thần "không trung bình chủ nghĩa, không cam chịu đói nghèo”. Hiện, mới có 14-15 tỉnh tự cân đối ngân sách còn quá ít. Thủ tướng yêu cầu “các địa phương phải phấn đấu tự trang trải, nộp ngân sách Trung ương, đây cũng là khát vọng vươn lên”.
Về nội dung cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng lưu ý đến năm 2025 hoàn thành việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp này; xử lý cơ bản yếu kém của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, chống tham nhũng, "sân trước sân sau" trong doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phải tạo điều kiện để Việt Nam có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, thậm chí hàng đầu khu vực.
Đại biểu dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng cho rằng chúng ta có 4 cuộc cải cách lớn, đó là: Cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục chỉ đạo thực hiện 4 cuộc cải cách này đến thành công.
Cuối cùng, về khâu tổ chức thực hiện Chiến lược, Thủ tướng nêu rõ đây là khâu quan trọng nhất. Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, biết làm, không vụ lợi cá nhân, nếu không có cơ chế bảo vệ này thì khó có thể phát triển đất nước do bệnh máy móc.
“Nghị quyết có hay, chiến lược có tốt, có đúng mà tổ chức thực hiện kém, không quyết liệt, không linh hoạt điều hành thì Nghị quyết và chiến lược không đi vào cuộc sống", Thủ tướng nhấn mạnh.
Không chỉ kinh tế, Thủ tướng cho rằng cần tập trung những chỉ tiêu quan trọng về xã hội và môi trường. Lấy ví dụ tuổi thọ bình quân người dân phấn đấu là 74,5 tuổi vào năm 2025 và 75 tuổi vào năm 2030, nhưng Thủ tướng lưu ý “đừng để tình trạng chưa giàu đã già”. Hiện nay chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, là lợi thế để thu hút đầu tư, đưa đất nước tiến lên.