Sáng 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0.
Tại đây, bên cạnh những vấn đề về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và giải pháp nâng cao khả năng sáng tạo, tư duy của sinh viên, nhiều người trẻ đặt câu hỏi về những vấn đề thiết thực như chính sách xây dựng nhà ở cho thanh niên, công nhân và lao động trẻ.
Nhiều gói hỗ trợ cho cả chủ đầu tư và người mua nhà
Trao đổi tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Văn Linh (Công ty xây lắp 1, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, trực thuộc Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương), cho rằng hiện nay, thanh niên và công nhân đang gặp nhiều khó khăn về nhà ở.
Trong đó, nhu cầu về nhà ở của những người trẻ là rất lớn, nhiều người mong muốn được vay tiền để mua nhà trả góp với lãi suất thấp.
"Kính đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ để xây dựng nhà ở cho thanh niên, công nhân và lao động trẻ ở địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc không lãi suất để thanh niên, công nhân có thể mua được nhà ở xã hội", anh Linh bày tỏ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao lưu, trò chuyện với các đại biểu thanh niên tham dự hội nghị đối thoại. Ảnh: VGP. |
Ghi nhận ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua, Chính phủ quan tâm những mục tiêu giải pháp đầu tư về phát triển nhà ở xã hội và được cụ thể hóa thông qua các nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Theo đó, bên cạnh việc khẩn trương sửa đổi và trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Chính phủ sẽ trình một Nghị quyết thí điểm đầu tư phát triển nhà ở xã hội với nhiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế.
Ông Sinh cho biết tại Nghị quyết này, một số vấn đề sẽ được tháo gỡ như dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; vấn đề liên quan ưu đãi, tiến triển sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư…
Ngoài ra, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề cập đến một số chính sách đang được triển khai như gói tín dụng 120.000 tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5-2%. Gói này nhằm hỗ trợ chủ đầu tư đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội và hỗ trợ người mua trong thời gian tới.
Cùng với đó, hai gói hỗ trợ khác đang được triển khai gồm gói 40.000 tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2% để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; gói 15.000 tỷ giao Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Trong đó có đối tượng thanh niên công nhân trên toàn quốc vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
"Đây là những chính sách rất cụ thể thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội trong thời gian tới để vay vốn mua nhà, để họ yên tâm công tác và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Hỗ trợ cả đầu vào và đầu ra
Nói thêm về nội dung trên, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "an cư lạc nghiệp", khẳng định nhà ở là rất quan trọng với mỗi người. Với thanh niên từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là chỗ ở, ổn định việc làm.
Theo Thủ tướng, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương, các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho đối tượng chính sách, người có công.
Trong đó, các cơ quan nghiên cứu hình thức mua, thuê, thuê mua, tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp… Việc này nhằm hỗ trợ cả "đầu vào" tức là những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà và hỗ trợ cả "đầu ra" là người mua, thuê, thuê mua nhà.
"Các chính sách đều nhằm phát huy nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội, phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là những người vừa ra trường, các bạn trẻ. Tinh thần là giải quyết từng bước nhưng căn cơ vấn đề này", Thủ tướng nói.
Thủ tướng trao đổi, trả lời các câu hỏi và vấn đề được thanh niên đặt ra tại buổi đối thoại. Ảnh: VGP. |
Cũng tại buổi đối thoại, trước câu hỏi về những chính sách để đào tạo lao động, trang bị kỹ năng cho những người trẻ tham gia thị trường lao động, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thị trường lao động luôn biến đổi.
"Vấn đề lao động, việc làm luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chú trọng. Muốn có công ăn việc làm thì phải mở rộng sản xuất, kinh doanh", Thủ tướng nói và nhận định thị trường lao động có những xu thế.
Từ những yêu cầu đặt ra của thời đại, người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần có chính sách đào tạo nhân lực thích ứng với xu thế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng khẳng định việc định hướng nghề nghiệp phải thích ứng xu thế, hoàn cảnh. Cùng với đào tạo, việc tự mày mò, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo là rất quan trọng. Đây cũng là điều nằm trong tinh thần nhiệt huyết của thanh niên.
Nhắc tới một số tấm gương cụ thể không qua trường lớp đào tạo nhưng vẫn có thể sáng chế ra các thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất hàng ngày, Thủ tướng lưu ý các bạn trẻ cần lựa chọn nghề nghiệp phù hợp khả năng, vừa quyết tâm theo đuổi, vừa chuyển đổi trạng thái nhanh nhất có thể.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.